Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh thủy đậu đã xâm nhập vào 4 trường học ở Hà Nội, bố mẹ đừng chủ quan, thấy con có 5 dấu hiệu này cần chữa trị kịp thời

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc thủy đậu trên địa bàn TP đã tăng lên, đặc biệt là đã xuất hiện các chùm bệnh trong các trường mầm non.

imager_9078

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc bệnh thủy đậu trên địa bàn TP tăng cao. Đặc biệt, ghi nhận các chùm ca bệnh thủy đậu, ổ dịch trong trường học.

Cụ thể từ ngày 24 đến 31/3, Hà Nội ghi nhận 166 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, tăng 86 ca so với tuần trước. 

Đặc biệt, Hà Nội ghi nhận một số chùm ca bệnh tại: Mầm non Chu Minh, Ba Vì (12 trường hợp), mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp, Phúc Thọ (9 trường hợp), tiểu học Ngô Thì Nhậm, Tả Thanh Oai, Thanh Trì (20 trường hợp), mầm non Hạ Bằng, Thạch Thất (12 trường hợp).

Cộng dồn, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 800 mắc thủy đậu. Số mắc năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022.

Dấu hiệu bệnh thủy đậu

Triệu chứng bệnh thuỷ đậu qua từng giai đoạn:

Sau 10 – 21 ngày tiếp xúc với virus Varicella-zoster, người bệnh có triệu chứng nổi mụn nước trên da niêm mạc, ngứa do nhiễm trùng, phát ban, ban mọc thành nhiều đợt cách nhau 3-4 ngày. Bệnh thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các dấu hiệu bệnh thủy đậu như: Sốt, ăn mất ngon, đau đầu, mệt mỏi và cảm giác khó chịu trong người. 

Giai đoạn ủ bệnh

Vi rút gây bệnh thủy đậu có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 3 tuần. Tùy thuộc vào sức đề kháng và đối tượng nhiễm bệnh mà thời gian ủ bệnh ở mỗi người không giống nhau, trung bình kéo dài từ 10 – 20 ngày.

Giai đoạn phát bệnh

Khi bắt đầu phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng. Và 1 – 2 ngày sau đó, trên da người bệnh sẽ xuất hiện các mẩn ngứa màu đỏ khắp các vùng da, với đường kính vài mm, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Một số người bệnh còn xuất hiện hạch sau tai, viêm họng.

Giai đoạn toàn phát

Các mụn nước hay còn gọi là ban dạng phỏng nước xuất hiện nhanh chóng trong vòng 1 ngày sau đó. Ban đỏ chuyển thành mụn nước hình tròn, với đường kính 1-3mm, chứa chất dịch bên trong màu trắng hoặc trắng đục, nếu bội nhiễm vi khuẩn thì dịch sẽ kèm theo mủ.

Ban mọc nhiều ở vùng ít bị tì đè như vùng liên bả, bên sườn, nách, kheo, có khi dày đặc ở mặt và thân mình, chân tay thì ít ban hơn. Ban đỏ mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da, do đó người bệnh sẽ thấy ban mọc ở nhiều mức độ khác nhau từ nốt sẩn, bọng nước trong, bọng nước đục hoặc đóng vảy. Người mắc bệnh thủy đậu có thể nổi từ vài mụn nước cho đến hàng trăm mụn nước trên cơ thể.

Một khi phát ban thủy đậu xuất hiện, nó sẽ có màu màu hồng hoặc đỏ (sẩn). Các mụn nước nhỏ chứa đầy chất lỏng (mụn nước), hình thành trong khoảng 1 ngày, sau đó vỡ và rỉ dịch. Sau đó, các mụn nước bị vỡ mất thêm vài ngày để lành vết thương. Trong thời gian đó, các mụn nước mới tiếp tục xuất hiện.

Bệnh thủy đậu thường nhẹ ở trẻ em khỏe mạnh nhưng ở một số ca, ban có thể bao phủ toàn bộ cơ thể, có thể hình thành tổn thương ở cổ họng, mắt và niêm mạc niệu đạo, hậu môn và âm đạo.

Giai đoạn hồi phục

Bệnh kéo dài từ 7 – 10 ngày, vảy tiết thường rụng sau 1-3 tuần. Nếu bệnh thủy đậu không có biến chứng thì các mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Nhưng nếu người bệnh bị nhiễm trùng mụn nước thì sẽ có thể để lại sẹo, đặc biệt nếu bị bội nhiễm, một số có nền hơi lõm, có thể thành sẹo một thời gian dài hay sẹo vĩnh viễn.

Đối tượng nào có nguy cơ nhiễm bệnh thuỷ đậu

Bệnh thủy đậu xảy ra phổ biến ở trẻ dưới 10 tuổi, nhưng điều này không có nghĩa người lớn không mắc bệnh. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh thuỷ đậu và trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 7 tuổi là đối tượng dễ nhiễm vi rút nhất. Riêng ở người lớn (trên 20 tuổi) thì tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu ít hơn, khoảng 10% do đã có miễn dịch.

Người đã mắc bệnh thủy đậu thì thường có miễn dịch miễn dịch bền vững suốt đời, tuy nhiên cũng có khoảng 1% tái nhiễm. Một số người có thể bị thủy đậu nhiều hơn một lần trong đời, nhưng trường hợp này rất hiếm. Với những người đã tiêm vắc xin thủy đậu mà vẫn mắc bệnh thì các triệu chứng bệnh thường nhẹ hơn, ít mụn nước và nhẹ hoặc không sốt.

Những lưu ý khi điều trị thuỷ đậu

Việc điều trị thủy đậu tại bệnh viện hay tại nhà cần tuân thủ lời dặn bác sĩ. Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị đúng phác đồ, còn cần phải chế độ ngủ nghỉ, ăn uống thanh đạm để tránh biến chứng, để lại sẹo xấu,…

Chế độ sinh hoạt:

Tắm thường xuyên, giữ vệ sinh quần áo lót cũng như vệ sinh tay.

Cắt móng tay thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm khuẩn thứ phát. Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh răng miệng, vệ sinh tai mũi họng, luôn giữ cho da khô sạch, không để trẻ gãi gây vỡ mụn nước.

Mặc quần áo mềm sạch để các mụn nước không gây nhiễm trùng, ngứa ngáy cho trẻ.

Người bệnh thủy đậu cần ăn thức ăn lỏng như: Cháo, nui, trái cây,… Tại khu vực phòng bệnh tại nhà phải thoáng khí, tránh gió lùa. Người bệnh không nên trở lại trường học hoặc làm việc cho đến khi những tổn thương cuối cùng đã đóng vảy.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO