Tại Khoa Bệnh Nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn trong hai tuần qua đã tiếp nhận 9 ca mắc bệnh thủy đậu và đều là người lớn. Trong số đó 8 bệnh nhân cùng sống chung tại một địa chỉ.
Được biết, trước đó một tuần, bệnh viện đã tiếp nhận 4 bệnh nhân mắc thủy đậu, sau khi được điều trị, các bệnh nhân đã được xuất viện. Ngay sau đó, 4 bệnh nhân khác nhập viện với biểu hiện lâm sàng tương tự.
Qua khai thác ban đầu, các bệnh nhân này cùng sinh sống tại một địa chỉ. Nơi ở tập thể của các bệnh nhân có khoảng 30 người sinh sống. Các phòng ở có giường tầng, tuy mỗi người một giường nhưng ăn uống, sinh hoạt chung.
Bệnh nhân T.A.G. (27 tuổi, Hà Giang) đang nằm điều trị tại bệnh viện chia sẻ, các triệu chứng bắt đầu khởi phát trước đó hai tuần do một người cùng phòng có biểu hiện nổi mẩn ngứa. Cùng thời điểm này có thêm một số người cùng phòng cũng có triệu chứng tương tự nên đến bệnh viện thăm khám.
Sau khi 4 người trước khỏi bệnh và được xuất viện, anh G. cùng một số người khác cũng có triệu chứng tương tự nên được đưa đến bệnh viện điều trị. Các bệnh nhân đều có biểu hiện chóng mặt, ngứa, đau mỏi cổ, khó ngủ, sau đó mẩn ngứa ở các mụn nước.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung, BV Thanh Nhàn, trong số các bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu nói trên có một số người từng mắc bệnh thủy đậu khi còn nhỏ, một số mới lần đầu.
Vị chuyên gia này chia sẻ thêm, bệnh nhân tái mắc thủy đậu không phải là đặc biệt. Một điều đáng lưu ý là bệnh thủy đậu diễn ra trong đợt này cùng nhóm bệnh nhân đều là người lớn.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh thủy đậu là một trong những bệnh dễ lây nhất. Bệnh lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng. Bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc.
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc-xin đều có nguy cơ cao mắc bệnh. Thông thường, người lớn bị mắc bệnh nặng sẽ hơn ở trẻ em. Sau khi mắc bệnh sẽ để lại miễn dịch, tuy nhiên bệnh thủy đậu có thể tái phát sau đó nhiều năm. Trẻ sinh ra từ người mẹ không có miễn dịch và bệnh nhân bị bệnh bạch cầu có thể bị mắc bệnh nặng, kéo dài hoặc tử vong.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng thông tin, trong tuần vừa qua, trên địa bàn TP.Hà Nội ghi nhận 70 trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu. Tính trung bình vài tuần gần đây đều ghi nhận khoảng 70 - 110 ca mắc mới.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố đã có 548 ca mắc bệnh thuỷ đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 4 ca). Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%).
Để phòng ngừa bệnh thủy đậu, bác sĩ khuyến cáo, tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Nên hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh; những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày để tránh lây lan.
Người dân cần chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
An AnBạn đang xem bài viết Hà Nội: Không chỉ trẻ nhỏ mà nhiều người lớn cũng mắc bệnh thủy đậu, có người đã bị rồi lại bị lại tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].