Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra, số người mắc cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5. Đây là khoảng thời gian cuối xuân đầu hè, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây lan.
Virus gây bệnh thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp; giọt bắn từ mũi, miệng người bệnh; tiếp xúc trực tiếp quần áo, chăn gối của bệnh nhân; chất dịch khi các bọng nước bị vỡ.
Đặc biệt, virus có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây tình trạng mắc thủy đậu bẩm sinh, hoặc các dị tật. Bên cạnh đó, bệnh gây nhiều biến chứng như viêm phổi, não, điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động.
Khi bị thủy đậu, người bệnh sẽ phải trải qua 4 giai đoạn gồm: giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát và giai đoạn bình phục.
Người bị thủy đậu sẽ có triệu chứng sau khoảng 7 – 21 ngày nhiễm virus, với các biểu hiện sốt, sổ mũi, đau đầu, ho nhẹ, mệt mỏi và chán ăn.
Khi có những biểu hiện trên chỉ 2-3 ngày, bệnh nhân sẽ xuất hiện những nốt ban, chấm đỏ hồng trên cơ thể rồi mẩn ngứa. Sau đó sẽ xuất hiện mụn nước có kích thước bằng hạt đậu, có dịch đặc hoặc mủ bên trong.
Những nốt mụn đó sẽ xẹp xuống, khô và đóng vảy sau 4-5 ngày tiếp theo. Nếu được điều trị tốt và kịp thời, bệnh sẽ khỏi sau 1 tuần.
Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ kéo dài từ 2 - 3 tuần và để lại sẹo ở những vùng xuất hiện mụn, gây mất thẩm mỹ.
2 điều nên tránh khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu để không gây hại cho con
Khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu, nhiều cha mẹ gặp phải sai lầm dẫn đến bệnh lâu khỏi, trẻ gặp phải biến chứng để lại sẹo trên da, viêm da…
- Làm vỡ các nốt mụn: Nhiều cha mẹ cho rằng khi làm vỡ các nốt mụn, bôi thuốc vào sẽ làm bệnh của con chóng khỏi hơn. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm và có thể gây viêm da cho trẻ. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu bị thủy đậu, tuyệt đối không sờ hay gãi các nốt mụn bị phồng lên bởi mụn có thể vỡ ra, dịch mủ có thể lây lan ra các khu vực khác làm bệnh thêm nặng và vết thương bị viêm nhiễm, để lại sẹo.
- Kiêng tắm rửa để bệnh nhanh khỏi: Đây cũng là một quan niệm sai lầm mà nhiều cha mẹ mắc phải. Việc khiêng tắm gội cho trẻ như vậy càng làm cơ thể ngứa ngáy, khó chịu. Tốt nhất hãy sử dụng nước ấm để tắm rửa cho con. Cha mẹ nên cho con mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh cọ xát vào nốt mụn. Khi trẻ mắc thủy đậu, cha mẹ cũng không nên dùng nước lá cây để tắm cho trẻ. Bởi da của trẻ rất mỏng, nên rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng. Các loại lá nếu không được rửa sạch hoặc có thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây nguy cơ nhiễm khuẩn cao cho da của trẻ.
Cách phòng bệnh thủy đậu
Biện pháp phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả nhất là tiêm phòng thủy đậu bằng vắc-xin. Đối với các trẻ lớn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.
Để phòng lây lan bệnh thủy đậu trong cộng đồng, người lớn mắc bệnh phải nghỉ làm tránh tiếp xúc với người khác.
Trẻ nhỏ mắc bệnh phải nghỉ học từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt bọng nước khô vảy hoàn toàn.
Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, tăng cường vệ sinh cá nhân; vệ sinh phòng ở của người bệnh, đồ vật nhiễm mầm bệnh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
An AnBạn đang xem bài viết Khi con bị thủy đậu cha mẹ chớ dại làm 2 điều này kẻo gây hại cho con tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].