Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm- Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội: “Khi thành lập quận Long Biên đã đặt dấu ấn cho cuộc vượt sông Hồng mở rộng Hà Nội từ vùng lõi trung tâm sang bên kia phía Đông”.
-Phóng viên Gia Đình Mới: Rất nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới được quy hoạch ven sông. Sông Hồng chảy qua Hà Nội cũng được chú ý rất nhiều, ông có thể nói gì về vai trò của nó trong việc quy hoạch đô thị Thủ đô?
- KTS Đào Ngọc Nghiêm: Nghiên cứu dòng sông Hồng từ trước đến nay đã được các cấp Trung ương và thành phố Hà Nội rất quan tâm. Hà Nội đã có 7 lần làm quy hoạch Thủ đô và tất cả các lần đều tiếp cận với dòng sông Hồng với quy mô khác nhau.
Sở dĩ sông Hồng có vị trí quan trọng trong làm quy hoạch đô thị Thủ đô cũng như tác động đến hình thành đô thị bên sông Hồng bởi nó có vị trí đặc thù với Thăng Long- Hà Nội. Năm xưa, khi vua Lý Thái Tổ quyết định rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long đã xem xét sông Hồng như là một trong những điều kiện để đặt Thủ đô lâu dài ở vùng đất này.
Theo phong thủy, tín ngưỡng Việt Nam và sự kế thừa, giao thoa từ các nền văn minh của Đông Á hay Nam Á như Trung Quốc, Ấn Độ… người Việt đã luôn lấy tiêu chí “nhất cận thị, nhị cận giang” để từ đó dần hình thành các vùng cư dân đông đúc hay các đô thị sầm uất sau này.
Chưa kể, sông Hồng có tổng chiều dài 1.200 km. Trong đó, chảy qua Việt Nam là 500 km và qua Hà Nội 120 km. Riêng qua phần nội đô, sông Hồng chảy qua 40 km (tính từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì). Với vị trí địa lý trọng yếu như thế, sông Hồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển của Thủ đô từ việc giao thương đi lại, thủy văn thoát lũ cho đến tạo cảnh quan môi trường hay lưu giữ giá trị lịch sử… cho các vùng mà nó đi qua.
Xin được nói thêm, không phải đến Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong phần điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 mới nêu: “Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội”. Trước đó, quy hoạch năm 1992, rồi năm 1998 cũng đã đặt vấn đề lấy sông Hồng là trục cảnh quan phát triển Hà Nội và tạo liên kết vùng.
Vì thế, việc nghiên cứu, quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng gần đây nói một cách đầy đủ và chính xác hơn chỉ là tái khởi động lại việc nghiên cứu và quy hoạch tổng thể sông Hồng do các lần trước còn bỏ ngỏ chưa hội tụ đủ nguồn lực, thiếu cơ sở pháp lý và các điều kiện cần có.
-Vậy lần quy hoạch mới nhất này ông có đánh giá như thế nào?
- KTS Đào Ngọc Nghiêm: Với sự nghiên cứu khá kỹ lưỡng, tổng hợp đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng lần này kỳ vọng sẽ xây dựng được một Thủ đô an toàn với lũ lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, sông Hồng sẽ trở thành trục không gian cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử là trục trung tâm của Thủ đô với các khu dân cư, khu đô thị mới dần hình thành ổn định có cuộc sống với chất lượng cao đồng bộ kết cấu hạ tầng với nhà ở, công trình công cộng bền vững.
Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch lần này cũng hướng đến những mục tiêu lớn khác như phát triển các công trình công cộng hiện đại, tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông; Phát triển hệ thống giao thông đường bộ ven sông kết nối với các tuyến đường vành đai 2, 3 và 4 của đô thị trung tâm; Chỉnh trị đường dẫn giao thông thủy, bến cảng nhằm giảm áp lực giao thông cho nội đô, tạo động lực phát triển khu vực…
Đô thị ven sông Hồng có thể tạo nên các đột phá về phát triển kinh tế, xã hội, hạ tầng cơ sở... cho thành phố, thậm chí cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc với cửa ngõ là phía Đông thành phố. Diện mạo của những khu vực đô thị ven Sông Hồng chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới.
-Để triển khai quy hoạch phân khu sông Hồng sớm đi vào hiện thực thì theo ông điều kiện tiên quyết sẽ là gì?
- KTS Đào Ngọc Nghiêm: Việc thông qua quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là điều cấp thiết trong quá trình phát triển Hà Nội ngày nay, nó đem lại nhiều lợi ích khi đưa sông Hồng trở thành trục không gian đô thị xanh của Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên, để quy hoạch này sớm đi vào hiện thực thì cần sự vào cuộc thật sự đồng bộ không chỉ của Hà Nội mà của cả các Bộ ngành trung ương liên quan.
Một số thách thức lớn có thể kể đến như là việc tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, mực nước cạn kiệt ảnh hưởng đến nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp cho cả vùng. Môi trường trên dòng sông, bãi sông ngày càng suy giảm. Hiện tượng khai thác cát, đổ phế thải gây ô nhiễm môi trường. Giao thông thủy chưa phát huy khả năng…
Nền tảng cho một bước chuyển mình mạnh mẽ
Nằm ở cửa ngõ tiếp giáp với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng…, hệ thống hạ tầng khu vực phía Đông Hà Nội đang được gấp rút hoàn thiện với hàng loạt các tuyến đường vành đai, cầu đường kết nối nội đô, công trình công cộng và các dự án đô thị quy mô lớn.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng, trong đó, một số dự án bắt đầu thi công. Cầu Vĩnh Tuy 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, Thăng Long mới, cầu Thượng Cát, Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Vân Phúc và cầu Phú Xuyên được xây dựng không chỉ nhằm khép kín và tạo sự liên kết các vành đai mà còn mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Đông theo mô hình đa trung tâm.
Với quyết tâm lên Quận ngay trong năm 2023, huyện Gia Lâm (Phía Đông TP. Hà Nội) đang gấp rút hoàn thiện các tiêu chí và hệ thống hạ tầng tạo nền tảng cho một bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự đột phá của hạ tầng giúp Gia Lâm trở thành địa điểm lý tưởng cho các cuộc đại dịch chuyển dân cư, biến khu vực này trở thành một trong những địa điểm được đánh giá là đáng sống bậc nhất tại Thủ đô.
Bên cạnh đó, các khu dân cư dọc theo sông Hồng hiện có chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa kiểm soát được biến động dân số và chưa xác định rõ các khu dân cư ổn định, khu cần di dời để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sống.
Sự đồng bộ của quy hoạch phân khu sông Hồng với quy hoạch vùng Thủ đô cần nghiên cứu một cách thấu đáo những bài học của thế giới như kinh nghiệm như phát triển khu vực hai bên sông Hàn của Seoul (Hàn Quốc), khu vực sông Seine của Paris (Pháp),…
-Người Hà Nội, nhất là trong nội đô, phố cổ luôn coi “bên kia sông Hồng” là ven đô, ngoại thành do tâm lý ngại “qua sông”. Nhưng trong thực tế những năm gần đây phía bên kia sông đang rất phát triển. Theo ông, dấu mốc quan trọng nhất và điều gì thúc đẩy thay đổi tư duy của người dân?
- KTS Đào Ngọc Nghiêm: Hà Nội trong các lần mở rộng địa giới hành chính (tính từ năm 1954 đến nay) đều cho thấy xu hướng phát triển về phía Đông. Đặc biệt, từ năm 2001 khi thành lập quận Long Biên đã đặt dấu ấn cho cuộc vượt sông Hồng mở rộng Hà Nội từ vùng lõi trung tâm sang bên kia phía Đông.
Sở dĩ xu hướng phát triển phía Đông ngày càng rõ nét và mạnh mẽ hơi trong thời gian gần đây là do phía Đông vẫn còn một dư địa lớn về đất đai, đủ điều kiện để phát triển các đại đô thị văn minh và đạt tiêu chuẩn cao hơn về không gian sống xanh- sạch trong khi quỹ đất của các khu vực khác của Thủ đô đã trở chật chội không gian sống.
Ngoài ra, khu vực phía Đông nằm trên hành lang kinh tế khu vực phía Đông Bắc thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy, đường sông, là cửa ngõ hướng ra cảng biển. Tất cả là yếu tố hội tụ cho kinh tế- xã hội phía Đông trỗi dậy thời điểm này.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp các quận huyện lên thành phố trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội cần đặt mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu đô thị hóa lên trên hết thay vì chỉ chú trọng vào cái tên và thay con dấu của các cơ quan quản lý hành chính.
Hà Nội phải có sự quyết tâm và kết nối giữa các sở ban ngành chứ không phải mạnh ai nấy làm. Xét cho cùng, bản chất của việc phát triển đô thị là giúp cho hạ tầng đồng bộ, đi lên chứ không phải là cái tên gọi là thành phố hay quận huyện, đó chỉ là tên gọi thông thường chứ không phải là cái thể hiện cấp độ đô thị.
-Xin cảm ơn ông!
Kim Thoa- Việt Hưng (thực hiện)
Làn sóng dịch chuyển cư dân mạnh mẽ về phía Đông
Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực phía Đông sẽ được định hướng phát triển trở thành Trung tâm Hành chính Thương mại Quốc tế, công nghệ kỹ thuật cao, đô thị hiện đại.
Phía Đông Hà Nội bao gồm Long Biên và Gia Lâm, là khu vực phát triển hạ tầng nhanh nhất Hà Nội.
Trong 5 năm qua, phía Đông Hà Nội đang đón làn sóng dịch chuyển cư dân mạnh mẽ. Riêng tại đại đô thị Vinhomes Ocean Park 1 (Gia Lâm, Hà Nội), đã có xấp xỉ 55.000 người chuyển tới sinh sống chỉ sau 4 năm. Ngoài Ocean Park 1, dự án bất động sản phía Đông Hà Nội của Vingroup còn trải dài đến khu vực Văn Giang (Hưng Yên) như Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire và Vinhomes Ocean Park 3 - The Crown.
Theo dự báo, tới năm 2050, chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4 có quy mô dân số khoảng 1,7 triệu người.
Bạn đang xem bài viết Dấu ấn cuộc vượt sông Hồng mở rộng Hà Nội từ vùng lõi trung tâm sang bên kia phía Đông tại chuyên mục Phía Đông: Tương lai của BĐS Hà Nội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].