Theo chuyên gia phong thủy Linh Quang (Tư vấn đào tạo phong thủy thực hành), thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian của người Việt có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Và người dân vẫn quen gọi là ông Công ông Táo.
Người Việt quan niệm ba vị vua Bếp này định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.
Với mong muốn 3 vị vua Bếp sẽ phù hộ cho gia đình mình được nhiều may mắn, hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, người Việt thường làm lễ cúng ông Công ông Táo chầu trời một cách long trọng.
Phong tục cúng cá chép vào ngày 23 tháng Chạp dựa theo truyền thuyết: "Hàng năm, Táo quân được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện – Ác của loài người.
Sau đó, cứ vào ngày 23 hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người".
Vì vậy, đến ngày Tết ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng cá chép. Theo đó, mỗi gia đình thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác khi cúng ông Công ông Táo. Sau khi cúng xong sẽ đem thả cá chép ở sông, ao, hồ, nghĩa là phóng sinh để đưa ông Táo về trời.
Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Đây cũng chính là nguyên gốc của tập tục phóng sinh cá chép.
Tuy nhiên, những năm gần đây, khi điều kiện sống của người dân tăng lên, không ít người đua nhau mua cá chép sống về thắp hương rồi phóng sinh thả cá chép vào dịp 23 tháng chạp. Sự việc này diễn ra không ít lộn xộn, ảnh hưởng đến phong tục cổ truyền thiêng liêng, ảnh hưởng đến môi trường do việc vứt rác, thả cá bừa bãi. Hơn nữa, cá được mua thả dịp này phần lớn là cá chép đỏ được nuôi, khi được thả ra môi trường tự nhiên chúng khó tồn tại được.
Sau nhiều lần thấy sông, hồ, ao bẩn ô nhiễm bởi rác thải từ việc phóng sinh cá chép sau dịp lễ 23 tháng Chạp, nhiều người đã quan niệm rằng nên dùng cá chép giấy để thay thế để đỡ ảnh hưởng đến môi trường sống.
Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia phong thủy Linh Quang cho rằng, việc đốt cá chép giấy hay thả cá chép sống thì không thể nói lên được cái nào tốt hơn, cái nào ưu điểm hơn.
Vấn đề đặt ra ở đây là cái tâm tín ngưỡng của mỗi người, sự giác ngộ của từng cá nhân khi hiểu được bản chất của sự việc đến đâu, thấy điều gì là phù hợp và có chuẩn mực thì sẽ hành động theo khuôn khổ đó.
Việc bỏ hay không bỏ tục thả cá chép không quan trọng bằng ý thức, thái độ, hành vi của người thực hiện. Những điều đã được gọi là nét văn hóa thì cần được duy trì và có sự quản lý một cách chặt chẽ để từ đó có thể làm thức tỉnh tâm trí của người dân thông qua việc tuyên truyền hàng ngày.
An AnBạn đang xem bài viết Cúng ông Công ông Táo nên đốt cá chép giấy hay thả cá chép sống? tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].