Cúng ông Công ông Táo là một một tập tục văn hóa có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Mặc dù năm nào cũng sắm lễ cúng, nhưng còn rất nhiều người thực sự chưa hiểu rõ ông Công ông Táo là ai, tại sao phải cúng ông Công ông Táo. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết.
Ông Công, ông Táo là ai?
Ông Công ông Táo là ai? Theo tín ngưỡng cổ truyền của Việt Nam, hằng năm cứ tới ngày 23 tháng Chạp là người dân 3 miền lại sắp sửa lễ cúng Táo Quân, mục đích là tiễn các Táo lên trời để các Táo bẩm báo với Ngọc Hoàng những việc làm tốt, xấu dưới nhân gian một cách khách quan, trung thực.
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian tại Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Mặc dù vậy, người Việt vẫn hay gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bởi quan niệm bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.
Tại Việt Nam, vẫn lưu truyền sự tích Táo Quân như sau:
Trọng Cao có vợ tên gọi Thị Nhi, dù ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ. Một hôm, Trọng Cao trong cơn nóng nảy, giận quá, đánh vợ. Thị Nhi uất ức bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang.
Khi Trọng Cao nguôi cơn giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao trốn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra vườn đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao sợ không dám chui ra nên bị chết thiêu.
Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết nên thương xót nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để cứu vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:
+ Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
+ Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
+ Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Qua tích trên có thể thấy, theo truyền thuyết Táo Quân là vua bếp, gồm 2 táo ông và 1 táo bà. Việc thờ thần bếp gửi gắm mong ước của dân Việt về một cuộc sống luôn đầm ấm, hạnh phúc, mọi người luôn thương yêu, quý trọng nhau.
Tại sao phải cúng ông Công ông Táo?
Người Việt thường quan niệm rằng Các vị Táo Quân sẽ là người mang lại may mắn, phước đức cho gia đình. Chính vì thế, khi làm lễ tiền ông Công ông Táo lên chầu trời, gia chủ thường nói một câu nhỏ rằng, mong các Táo lên bẩm với Ngọc Hoàng thì nói ít đi những điều xấu, nói nhiều hơn những điều tốt để Ngọc Hoàng che chở, phù hộ cho gia chủ.
Cũng bởi quan niệm này, lễ cúng Táo Quân đặc biệt quan trọng và được mỗi gia đình chuẩn bị rất chu đáo, long trọng.
Ngoài ra, mỗi khi tới lễ ông Công ông Táo, cũng là dịp giáp Tết Nguyên Đán nên các gia đình sẽ cùng nhau sửa soạn để đón Tết sum họp, quây quần, chuẩn bị cho một năm mới với nhiều hi vọng mới.
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết Ông Công, ông Táo là ai? Tại sao phải cúng ông Công ông Táo? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].