Thay đổi phương thức dạy học bằng ứng dụng công nghệ thông tin
Cô giáo Nguyễn Việt Chinh, giáo viên Trường Mầm non B, quận Hoàn Kiếm là đại diện duy nhất của giáo viên bậc mầm non Hà Nội được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen dịp 20/11 năm nay.
Sinh năm 1995, tuy tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ nhưng cô Chinh là điển hình của trường mầm non B nói riêng và bậc mầm non của Hà Nội nói chung bởi sự năng động, tâm huyết và yêu nghề. Đặc biệt, cô là một trong những giáo viên đi đầu của nhà trường trong việc triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ trong dạy học, chăm sóc giáo dục trẻ.
Cô Việt Chinh luôn tâm niệm là một nhà giáo thì ở cấp học nào cũng phải mang đến cho các con những bài học lý thú nhất. Vì thế, cô luôn dành nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu các công trình hỗ trợ trẻ nhỏ học tốt hơn.
“Nhiều người cho rằng, cô giáo mầm non nhàn, chỉ việc dạy trẻ ăn ngủ, múa, hát… Tôi không đồng tình với suy nghĩ đó. Dù còn nhỏ nhưng các con đến trường không phải chỉ chơi, ăn với ngủ mà còn được tham gia vào các trải nghiệm, khám phá những điều vô cùng thú vị trong học tập cũng như các hoạt động khác”, cô Chinh cho biết.
Để làm được điều đó, cô giáo trẻ suy nghĩ cần phải thay đổi phương thức dạy học cũ bằng những bài học cuốn hút, mang đến hứng thú, từ đó các con sẽ nhớ nhanh, nhớ lâu và hiểu bài tốt hơn. Cô Chinh nhận thấy, muốn đạt được mục đích đó thì chỉ có công nghệ thông tin mới là công cụ tốt giúp mình thực hiện điều mong muốn. Từ đó, cô đã quyết định nghiên cứu, mày mò sáng tạo các bài giảng, phần mềm dạy học cho học sinh.
Cô Chinh nghiên cứu và sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ thiết kế bài giảng điện tử, biên tập video, hình ảnh, âm thanh... Từ việc sử dụng thành thạo các phần mềm trển, cô Chinh đã tham gia xây dựng kịch bản, cho các hoạt cảnh dạy học trên đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, tham gia xây dựng 56 tiết học cho trẻ và tham gia dẫn chương trình 37 tiết dạy nấu ăn trong chương trình "Dinh dưỡng cho bé yêu" của Trường Mầm non B đã được đăng tải trên youtube và trang web của trường.
Tâm huyết với từng bài dạy, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
“Bé khám phá về rác phân hủy và rác không phân hủy” là một trong những tiết học thú vị với học sinh của cô Chinh khi các con được khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động thú vị về phân loại rác; đã biết dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để tạo nên những đồ dùng, đồ chơi yêu thích từ rác thải tái chế.
Cô Nguyễn Việt Chinh cho hay, một trong những nguyên nhân chính khiến môi trường bị ô nhiễm là do con người thiếu hiểu biết, thiếu ý thức. Vì vậy, để nâng cao nhận thức của con người về môi trường thì việc giáo dục cho trẻ từ lứa tuổi mầm non là vô cùng cần thiết và cấp bách. Giáo dục môi trường cho trẻ mầm non sẽ giúp các bé dễ dàng hình thành nề nếp thói quen, có nhận thức bảo vệ môi trường sống và hình thành nhân cách con người. Trẻ em là tương lai của đất nước, thế giới, do đó khi các bé đã học cách sử dụng tài nguyên từ khi còn nhỏ sẽ tạo nề nếp và lối sống có ý thức giúp bảo vệ môi trường.
Cô thường xuyên tìm tòi, tham khảo một số quan điểm giáo dục hiện đại, lựa chọn hệ thống chủ đề, triển khai các dự án xuất phát từ nhu cầu gần gũi với cuộc sống của trẻ, thiết kế các hoạt động giáo dục và đặc biệt xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
"Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm có nghĩa là đổi mới phương thức tiếp cận. Theo đó, giáo viên chỉ là người định hướng, gợi mở để trẻ có cơ hội bộc lộ kinh nghiệm của bản thân, tự rút ra kiến thức, kỹ năng cho mình thông qua các hoạt động quan sát, thu thập thông tin, thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm thực tế, trò chơi, bài tập với nhóm lớn và cá nhân trẻ" - cô Chinh chia sẻ.
Với sự nỗ lực và tâm huyết của người giáo viên trẻ yêu nghề, cô Việt Chinh đã đạt nhiều thành tích như: Giải Nhất cuộc thi "Cô giáo Tài năng duyên dáng" cấp cụm các trường chuyên biệt năm học 2020-2021; đạt giải Nhì cuộc thi "Cô giáo Tài năng duyên dáng" cấp Thành phố năm học 2020-2021; đạt giải Nhất cuộc thi "Giáo viên giỏi thành phố" cấp học mầm non năm học 2022-2023.
Trong việc triển khai thực hiện sáng kiến, cô có 4 sáng kiến xếp loại A, B cấp trường. Năm học 2022 - 2023 có 1 sáng kiến được xếp loại đạt cấp ngành.
Ngoài ra, cô còn có thành tích tiêu biểu, nổi trội, xuất sắc về hoạt động đoàn thể, xã hội, phục vụ cộng đồng với 3 danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; 6 lần liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường; 6 năm liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và đạt giải Nhất cuộc thi "Giáo viên giỏi thành phố" cấp học mầm non năm học 2022-2023.
Để có tên trong danh sách "Nhà giáo tiêu biểu của năm", được Bộ trưởng Bộ GDĐT tặng bằng khen, giáo viên cần đáp ứng tiêu chuẩn: Có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, mẫu mực, chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị và tại địa phương nơi cư trú; có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và trong cuộc sống, được đồng nghiệp, người học tín nhiệm; chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, thầy cô giáo còn là tấm gương điển hình, đạt thành tích tiêu biểu, sáng tạo trong năm học, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa tại địa phương và trong toàn ngành.
200 "Nhà giáo tiêu biểu của năm" được bình chọn và khen thưởng do Hội đồng bình chọn của Bộ GDĐT quyết định. Đồng thời, được nhận bằng khen và quà tặng của Bộ trưởng Bộ GDĐT, được mời tham dự các hoạt động "Tri ân Nhà giáo" vào tháng 11 hàng năm.
V.LinhBạn đang xem bài viết Cô giáo mầm non duy nhất ở Hà Nội được tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu năm 2023 tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].