Mỗi cha mẹ có cách nuôi dạy con cái khác nhau, không thể nói cách nào đúng, cách nào sai. Mỗi gia đình, mỗi đứa trẻ và mỗi cha mẹ là những cá thể khác biệt nên mỗi nhà sẽ có những cách nuôi dạy con khác nhau. Như người Việt có câu 'Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh' là thế!
Nói về dạy con, các nhà tâm lý học, xã hội học, các chuyên gâ về gia đình đã đưa ra những những khái niệm về các kiểu làm cha mẹ khác nhau cũng như những lời khuyên dựa trên lý thuyết cho các bậc làm cha làm mẹ, hoặc là những phân tích về ưu khuyết của các kiểu làm cha mẹ này.
Từ bố mẹ 'trực thăng' đến bố mẹ 'sống chậm', bài viết này sẽ tổng hợp lại các kiểu làm cha mẹ phổ biến và đặc điểm của các kiểu này.
Hãy cùng thử xem bạn là kiểu cha mẹ nào nhé?
1. Cha mẹ 'trực thăng' (Helicopter parents)
Khái niệm cha mẹ 'trực thăng' chỉ những người chăm con quá mức. Đặc điểm nhận diện tuýp cha mẹ này là họ luôn theo sát, kè kè như chiếc trực thăng xung quanh con cái để giám sát và bảo vệ chúng một cách thái quá khỏi mọi nguy hiểm - dù lớn hay nhỏ (chẳng hạn như con sắp giẫm phải miếng lego).
Biểu hiện tiêu biểu của cha mẹ trực thăng là thường xuyên gọi điện cho giáo viên của con, tham gia quá nhiều vào việc dạy học của giáo viên; làm bài tập hộ con; chọn quần áo cho con mỗi khi con ra ngoài; xem xét và kiểm tra tất cả đồ ăn mà trẻ ăn và tất cả đồ chơi mà trẻ chơi,...
2. Cha mẹ hổ (Tiger parents)
Khái niệm cha mẹ hổ bắt nguồn từ một cuốn sách của tác giả Thái Mỹ Nhi (Amy Chua) có tên 'Chiến ca của Mẹ Hổ'.
Amy Chua tự xưng là Mẹ Hổ có thể vì bà sinh năm Hổ (1962) hoặc có thể vì bà cho rằng mình đã dạy con như một Hổ mẹ – nghiêm khắc đến tàn nhẫn để chúng có thể sinh tồn trong một xã hội cạnh tranh quyết liệt không có chỗ cho kẻ yếu hèn.
Những bà mẹ hổ thường dạy con phải thật chăm chỉ để sau này sẽ đạt được thành công lớn.
Cách nuôi dạy con theo kiểu cha mẹ Hổ có những mặt tích cực và tiêu cực: chẳng hạn như mẹ Hổ có thể hết sức nghiêm khắc (đến mức bị cho là cực đoan), nhưng họ cũng rất ấm áp và tất cả là vì yêu và mong con có được tương lai sáng lạn.
3. Cha mẹ gần gũi, gắn bó (Attachment parents)
Dạy con theo phương pháp gần gũi gắn bó (Attachment Parenting) còn được gọi là dạy con tự nhiên và theo bản năng.
Cách nuôi dạy con cái này dựa trên trực giác và sự thấu hiểu nhu cầu về cảm xúc và gần gũi thân thể của trẻ và đáp ứng những nhu cầu này.
Đại diện của phương pháp gần gũi với con này bao gồm việc cho con bú đến khi lớn, thường xuyên bế hay ẵm con, ngủ chung với con trong vài năm đầu.
4. Cha mẹ chăm con theo kiểu 'nuôi thả' (Free-range parents)
Biểu hiện của chăm con kiểu 'nuôi thả' là chỉ trang bị cho con các kỹ năng an toàn cần thiết sau đó 'lùi về hậu đài' để con tự học, tự khám phá.
Dạy con theo cách này tức là cho con tự do và sẽ giúp con học được cách tự lập, kiên cường vượt qua khó khăn.
5. Cha mẹ 'sống chậm (Slow parents)
Lối 'sống chậm' này xuất phát từ việc các bậc cha mẹ nhận ra rằng con mình đang phải sống quá mệt mỏi, quá nhiều áp lực, học - học và học, còn họ cũng đang sống quá nhanh, không dành thời gian bên cạnh con mình, chăm lo cho con mình, chơi với con mình.
Nhận ra được điều ấy, họ đã chậm lại, chậm lại từ chính trong con người họ, rồi chậm lại trong cách nuôi dạy con cái, trong sinh hoạt gia đình, trong những bữa cơm, thay vì ăn uống vội vã mạnh ai nấy lo thì mọi người trong gia đình trò chuyện với nhau nhiều hơn, kể cho nhau nghe đôi ba câu chuyện phiếm, hay cùng nhau dạo quanh công viên mỗi khi cuối tuần, mỗi khi dịp lễ đến…
Gia đình 'sống chậm' thường hạn chế việc sử dụng các thiết bị công nghệ hay những hoạt động có sự sắp xếp sẵn của người lớn và để con cái có thể tự vui chơi sáng tạo theo cách của con.
(Theo Bettina Tyrrell | Nowtolove.com)
Thăm dò ý kiến: Bạn đang làm cha mẹ theo kiểu nào?
Thư NguyênBạn đang xem bài viết Có 5 kiểu làm cha mẹ, bạn đang theo kiểu nào? tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].