Xã hội ngày càng phát triển, nhiều thiết bị thông minh được sáng chế và đưa vào sử dụng. Đặc biệt trong đó có máy tính, điện thoại di động… Và trong xu thế phát triển đó, sạc pin dự phòng cũng ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người.
Cụ thể, loại sạc dự phòng thường là tập hợp của các viên pin sạc. Pin sạc dễ gây cháy, nổ nếu nhà sản xuất sử dụng vật liệu, linh kiện kém chất lượng.
Thông thường, các nhà sản xuất danh tiếng sử dụng nguyên liệu chế tạo pin cao cấp, tuy nhiên để cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuẫn nhiều hãng lại sử dụng những nguyên liệu chế tạo pin rẻ tiền. Đây chính là nguyên nhân khiến tuổi thọ pin giảm, mất đi tính an toàn của pin và dễ gây cháy nổ.
Để hiểu rõ hơn về cơ chế gây nổ cũng như những cách phòng tránh cháy nổ khi sử dụng sạc dự phòng Gia Đình Mới đã có trao đổi với TS Vật Lý Nguyễn Văn Khải và thầy giáo Bùi Gia Nội, giáo viên Vật lý, TP Việt Trì, Phú Thọ.
Theo TS Khải giải thích: “Thứ nhất, quả pin có trong điện thoại hay cục sạc dự phòng mà mọi người hay nói thì chính xác đó là một loại ắc quy tích điện. Chỉ khác là dung tích, thể tích và khối lượng của quả pin trong điện thoại di động nhỏ hơn so với sạc dự phòng.
Về nguyên tắc hoạt động, thì khi ắc quy được sạc điện khi đầy có thể phóng ra điện, hoặc trong trường hợp chưa được sạc đầy nhưng nếu hiệu điện thế của nó lớn hơn hiệu điện thế của vật được sử dụng điện thì vẫn phóng điện.
Các ắc quy thông thường phóng điện khoảng 4000 lần, các loại ắc quy cao cấp có thể phóng điện lên đến 6000 lần nên hiện tượng cháy nổ xảy ra là rất bình thường.
Tuy nhiên, lý do phát nổ không phải lỗi từ sạc điện thoại dự phòng mà là do người dùng không có kỹ năng sử dụng các thiết bị điện.
Cụ thể là người sử dụng điện luôn có thói quen vừa rút điện, vừa rung lắc dẫn đến hiện tượng lúc tiếp xúc, lúc không tiếp xúc gây ra tình trạng chập điện.
Bên cạnh đó, việc dây đồng bên trong dây điện bị đứt dẫn đến hiện tượng đoản mạch làm cho phần nhiệt lượng tỏa ra lớn gây ra tình trạng cháy nổ”.
Cũng theo TS Khải, người dùng không được để phần ổ cắm lỏng lẻo và dây sạc cũng không được cuộn, gấp khiến dây bị đứt để tránh gây ra tình trạng chập điện. Đặc biệt là phải rút dây cấp điện khi đã sạc xong, tránh sạc lâu khiến pin nóng quá, phát nổ.
Còn theo thầy Bùi Gia Nội phân tích thì: "Các sản phẩm chính hãng đều có bộ phận ổn định dòng nạp - dòng xả (dưới 2A) và cơ chế tự ngắt khi đủ áp (đầy điện) nên các vi mạch và lớp phân cực của pin không bị quá tải.
Ngược lại các sản phẩm kém chất lượng thì dòng nạp - xả phụ thuộc vào tải tiêu thụ và suất phản điện của pin, khi pin hết điện hoặc khi thiết bị tiêu thụ lớn dòng qua vi mạch vượt quá khả năng chịu tải của vi mạch gây quá nhiệt hoặc làm lớp phân cực trong pin mất tác dụng dẫn đến đoản mạch trong pin và gây cháy nổ.
Một số pin cơ chế tự ngắt khi 'đầy điện' không có thì sau khi nạp đầy, năng lượng nạp vào thành nhiệt năng làm pin nóng cũng dễ gây cháy nổ".
Thầy Nội cũng giải thích thêm, các loại pin dự phòng hiện nay thường có 3 nguồn gốc xuất xứ: hàng chính hãng (bảo đảm kỹ thuật), hàng tái chế (tuổi thọ ngắn, không bảo đảm), hàng nhái (dễ gây nguy hại). Đa số chúng đều dùng công nghệ pin Lithium-ion (chưa có nhiều sản phẩm theo công nghệ mới Lithium-Polymer an toàn hơn).
Những lưu ý đặc biệt khi sử dụng sạc dự phòng
Trước tiên nên lựa chọn các sản phẩm pin chính hãng.
Sử dụng cục sạc chính hãng, phù hợp với thông số của pin (dòng nạp và điện áp sạc).
Khi nạp đầy điện hoặc trước khi rời khỏi nhà phải ngắt pin khỏi cục sạc.
Tránh để pin trong môi trường ẩm ướt.
Tránh pin bị va đập mạnh (một số thí nghiệm cho thấy, khi bị vật kim loại xuyên thủng đa số pin đều cháy nổ mãnh liệt).
Vị trí nạp pin nên xa tầm tay trẻ nhỏ và các vật liệu dễ bắt lửa.
Pin Lithium đã được nhà hóa học người Anh M Stanley Whittingham nghiên cứu từ những năm 1970, đến năm 1991 pin bắt đầu đưa vào sản xuất đại trà bởi Sony Energitech.
Pin Li-ion có ưu điểm là mật độ năng lượng cao (dung lượng lớn, kích thước nhỏ) và năng lượng tự xả rất thấp (để lâu mà không hao phí nhiều năng lượng dự trữ).
Ưu điểm của pin Lithium-ion là dễ sản xuất và điện năng dự trữ lớn (ví dụ 1 pin dự phòng 20000mA có năng lượng dự trữ tương đương việc đun sôi 1 lít nước từ 15 độ C). Nhưng đồng thời nếu xảy ra nguy cơ cháy nổ thì nguồn điện năng dự trữ sẽ gây tác hại rất lớn.
Ngọc Nga - Sái TrangBạn đang xem bài viết Chuyên gia vật lý giải thích nguyên nhân khiến sạc dự phòng phát nổ tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].