Mạng xã hội đang dậy sóng trước những vụ người chồng thẳng tay đánh vợ trước mặt con nhỏ tại nhà riêng.
Trao đổi với Gia Đình Mới về vấn đề này, chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống Vũ Việt Anh, giám đốc học viện Thành Công cho biết, khi cha mẹ sử dụng bạo lực trước mặt con cái, trẻ sẽ nhận được những thông điệp như: Để dành được cái con muốn từ người khác, hãy dùng đến sức mạnh và bạo lực; Muốn điều khiển người khác thì phải có sức mạnh; Hãy bạo lực cả với những người yêu quý của con; Nếu không dành được cái con muốn hãy đánh nhau; Kẻ lớn mạnh luôn là người chiến thắng…
Với những bài học này trẻ con sẽ ghi hằn sâu vào trong tâm trí và sẽ hành xử theo những gì con học đươc.
Như khi trẻ nhận được thông điệp “để dành được cái con muốn từ người khác, hãy dùng đến sức mạnh và bạo lực”, với nhận thưc này trẻ sẽ luôn dùng bạo lực khi muốn đồ chơi của bạn, bạn không cho trẻ sẽ đánh bạn.
Hay như khi ở lớp, bạn nào làm không đúng yêu cầu không đúng ý của mình con cũng sẽ dùng bạo lực đối với bạn… Điều này lặp đi, lặp lại thành tính cách của con, con luôn hung hăng và dùng các biện pháp bạo lực trong các hành xử hàng ngày.
Cha mẹ dùng bạo lực trước mặt con dễ làm con trẻ nhận thức thông điệp “muốn điều khiển người khác thì phải có sức mạnh”. Các trẻ có môi trường giáo dục bạo lực thường có nguy cơ kết bè, kết bảng với nhau để đi bắt nạt các bạn khác tạo nên hiện tượng bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên.
Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh thông tin thêm, thống kê tại Cục cảnh sát hình sự Bộ công An cho thấy, có 80% trong số 7.861 vụ phạm tội ở lứa tuổi chưa thành niên rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Những trẻ này thường ở trong gia đình có bố, mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, gia đình thường xảy ra bạo lực… thiếu sự quan tâm đến trẻ em, sự giáo dục chưa phù hợp.
Một điều nguy hại hơn nữa khi trẻ phải chứng kiến cảnh bố thẳng tay đánh mẹ là trẻ sẽ nhận thức thông điệp “Hãy bạo lực cả với những người yêu quý của con”. Chính điều này sẽ hình thành nên hiện tượng bạo lực gia đình.
Vị chuyên gia tâm lý này cho biết thêm, nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, những người bị đánh đập, trừng phạt thời niên thiếu thường đánh đập người yêu của mình cao gấp 4 lần so với những người không bị cha mẹ đánh đập.
Những người chồng sinh ra trong gia đình bạo lực đánh vợ nhiều hơn 600 lần so với đàn ông xuất thân trong gia đình không bạo lực.
Cứ 4 người xuất thân trong một gia đình bạo lực thì có 1 người hung hãn làm con mình bị chấn thương trầm trọng.
Và gần như 100% trẻ em bị trừng phạt về thể xác đều tấn công anh chị em mình, 20% đánh đập tàn nhẫn anh chị em mình.
An BìnhBạn đang xem bài viết Chứng kiến bố đánh mẹ, trẻ lớn lên sẽ thành người như thế nào? tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].