1. Chỉ số tia UV là gì?
Chỉ số tia UV (Ultraviolet) là chỉ số tia cực tím hay tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời. Chỉ số này giống như một phương tiện giúp cảnh báo nguy cơ nhiễm phóng xạ tia UV gây tổng hại đến da, mắt, thậm chí là nguy cơ ung thư da.
Chỉ số tia UV hàng ngày sẽ cảnh báo cho mọi người biết nên bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời như thế nào. Bởi vì nhiều người có thói quen tắm nắng mà không biết rõ tia UV có thể dẫn đến tổn hại sức khỏe.
Chỉ số tia UV thay đổi trong một ngày và tùy thuộc vào thời tiết, vị trí địa lý, ánh nắng yếu hay mạnh và chỉ số tia UV cũng rất khác nhau.
2. Làm sao để biết tia UV có hại hay không?
Chúng ta thường có kế hoạch trong ngày và chọn trang phục dựa theo dự báo thời tiết nhưng có thể ít người quan tâm đến chỉ số tia UV ngày hôm đó.
Chỉ số UV thường chỉ ra mức độ tia UV để người dân có thể lựa chọn các hoạt động ngoài trời mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.
WHO khuyến cáo chúng ta nên tìm hiểu chỉ số tia UV mỗi ngày. Sau đó bạn nên kiểm tra mức độ tia UV để tham gia hoạt động ngoài trời.
- Nếu chỉ số tia UV từ 0 - 2, chúng ta có thể ra ngoài trời.
- Chỉ số từ 3 - 7, chúng ta cần những biện pháp chống nắng như mũ nón, mặc áo dài tay, dùng kem chống nắng.
- Mức độ 8 trở lên thì chúng ta nên tránh ra ngoài trời. Nếu phải ra ngoài thì cần phải có biện pháp chống nắng hiệu quả.
3. Làm sao để biết chỉ số tia UV hàng ngày?
Ở nhiều nước trên thế giới, chỉ số tia UV thường được dự báo ở trong các bản tin thời tiết, trên báo chí, TV, đài phát thanh, đặc biệt cập nhật liên tục hàng ngày vào những tháng hè nắng nóng.
4. Làm sao để chống nắng hiệu quả?
Theo chuyên gia, chúng ta nên áp dụng những biện pháp chống nắng sau đây:
- Dùng kem chống nắng hàng ngày có chỉ số ít nhất là SPF 30, kể cả khi trời âm u, ít nhất là từ 15 - 30 phút trước khi ra ngoài.
- Có thể dùng son môi chứa kem chống nắng ít nhất là SPF 30.
- Nên thoa kem chống nắng 2 tiếng/lần. Nếu đi bơi hoặc ra nhiều mồ hôi thì thoa mỗi tiếng/lần.
- Nước và cát là hai bề mặt có thể làm tăng sự tác động của tia UV lên da, tăng khả năng bị cháy nắng nên bạn cần cẩn thận khi đi ra biển, bơi hoặc tắm khi trời nắng.
- Nên tránh nắng cho trẻ em, nhất là bé dưới 6 tháng tuổi ở ngoài nắng gắt.
- Hạn chế ra ngoài trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì lúc này ánh nắng gay gắt nhất và chỉ số tia UV ở mức cao nhất.
- Nên mặc quần áo dài, quần áo tối màu có thể giảm tác động của ánh nắng hơn quần áo sáng màu.
- Nên bảo vệ cả mặt, cổ, tai và đeo kính râm để bảo vệ mắt.
- Một số loại thuốc có thể nhạy cảm hơn với ánh nắng đó là kháng sinh, kháng viêm, thuốc huyết áp, xạ trị, thuốc chống nấm. Nếu ai đang sử dụng những loại thuốc này cần chú ý hơn khi ra ngoài trời.
(Theo WHO/Cancer)
Minh TrầnBạn đang xem bài viết Chỉ số tia UV là gì, khi nào thì tia UV có hại cho da và sức khỏe? tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].