Tối 11/2, đại diện Sở GD&ĐT TP Hải Phòng cho biết, ngày 11/2 toàn ngành giáo dục thành phố đã ghi nhận thêm 3.172 trường hợp (2.976 học sinh và 196 giáo viên) dương tính SARS-CoV-2.
Trước đó ngày 10/2, Hải Phòng cũng có tới hơn 2.300 học sinh, giáo viên mắc COVID-19.
Tích lũy đến nay, TP Hải Phòng đã ghi nhận tổng 9.649 giáo viên và học sinh mắc COVID-19. Trong đó, 1.524 trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng COVID-9, đa số học sinh mầm non, tiểu học.
May mắn, hiện không có ca nhiễm trong giáo viên, học sinh chuyển nặng và tử vong.
Trước tình hình ghi nhận F0 trong nhà trường, Sở GD&ĐT đã triển khai kế hoạch chi tiết về việc tổ chức dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 182 trường học các cấp trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch và chương trình giảng dạy.
Theo đó, trường hợp học sinh dương tính được nghỉ học và điều trị theo hướng dẫn của lực lượng y tế. Nhà trường có trách nhiệm tổ chức cho học sinh mắc COVID-19 học online hoặc dạy bổ trợ… đảm bảo học sinh được tiếp cận kiến thức cơ bản. Học sinh còn lại của lớp đi học bình thường, thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.
Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng vừa ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục và hướng dẫn thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường.
Theo đó, đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện phối hợp chỉ đạo các cơ sở giáo dục và yêu cầu thủ trưởng các đơn vị giáo dục thống nhất khi học sinh có kết quả dương tính với COVID-19 (qua xét nghiệm nhanh, không nhất thiết xét nghiệm bằng phương pháp PCR) được nghỉ học và thực hiện điều trị theo hướng dẫn của các cơ quan y tế.
Các nhà trường có trách nhiệm tổ chức cho học sinh học bằng hình thức trực tuyến, bổ trợ... đảm bảo cho học sinh được tiếp cận kiến thức cơ bản, cốt lõi. Các học sinh còn lại của lớp đi học bình thường, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 đã ban hành của các cơ quan chức năng.
Những ngày đầu học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục cần dành thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp. Tổ chức các hoạt động tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh; hướng dẫn kiến thức phòng dịch và nguyên tắc tuân thủ trong phòng dịch… Tuyệt đối không để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp bị F0.
Tổ chức giảng dạy các nội dung cơ bản theo điều chỉnh của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện và đối tượng, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống và xử lý tình huống phát sinh theo phương án, kịch bản đã được TP Hải Phòng phê duyệt. Tổ chức tập huấn, diễn tập cho phụ huynh, giáo viên, học sinh để trẻ em đến trường đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, cũng yêu cầu các đơn vị không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác đã về kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp sau Tết, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục tại TP Hải Phòng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao TP Hải Phòng đã chủ động chuẩn bị, đảm bảo các điều kiện đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Các điểm trường đều có quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, thầy và trò sẵn sàng ứng phó với các trường hợp phát sinh, chuẩn bị tốt tâm lý tạo không gian dạy học bình thường.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc đưa học sinh từ mầm non đến đại học, đặc biệt cấp mầm non và phổ thông đến trường ở thời điểm này là cần thiết và phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời.
Các trường học cần xác định tình hình dịch còn diễn biến lâu dài, vì vậy cần bình tĩnh, chủ động thích ứng với việc dạy và học trong điều kiện có dịch bệnh. Nhà trường và phụ huynh cần đồng thuận, thống nhất cao trong việc xử lý các tình huống liên quan đến dịch bệnh.
V.LinhBạn đang xem bài viết Chỉ một ngày, Hải Phòng ghi nhận gần 3.000 học sinh giáo viên mắc COVID-19 tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].