Khi tôi 3 tuổi, mẹ tôi mất trong một tai nạn ô tô. Hai năm sau, cha tôi - một bác sĩ mắt - kết hôn với thư ký của ông, Isabella.
Bà ấy ghét tôi, mà cũng không phải vì bản thân tôi. Bà ta ghét sự tồn tại của tôi.
Bà ta rất bạo lực: nắm tóc tôi, tát mặt tôi,... nhưng vũ khí chính của bà là bạo hành tinh thần ngày này qua ngày khác, không một ngày ngưng nghỉ.
Năng lượng của bà ta thật lớn, bà ta có một 'nguồn nhiên liệu' thù hận vô tận, dù được tiêu hao hàng ngày nhưng vẫn không ngừng cháy dữ dội năm này qua năm khác.
Cũng như những vụ bạo hành gia đình khác, tra tấn thể xác chỉ là một phần. Bà ta tra tấn tôi theo nhiều cácc thức: tàn nhẫn, nhục nhã, khủng bố, hạ nhục, đê tiện.
Bà ta đã phá hủy những gì quan trọng nhất với tôi: hồi 6 tuổi, là con gấu bông mà mẹ từng mua cho tôi. 12 tuổi, là nhật ký của tôi. Tôi thậm chí không thể phản đối hay tỏ thái độ.
Khi bà ta dắt tôi sang đường, bà ta sẽ bấm móng tay vào phần thịt nơi cổ tay tôi.
Khi tôi lên 10, bà ta bắt đầu nuôi ý tưởng làm cho tôi béo mập. Tôi bị bắt ép phải ăn hết mọi bữa ăn kinh khủng nhất.
Bữa sáng của tôi là sữa đã được đun sôi với một lớp váng dầy bên trên, cháo nóng đầy mỡ và bánh mỳ kẹp thịt với lớp bơ dày như pho-mát.
Có lần tôi đã chán ngấy món cháo đó, nhưng vì sợ bà ta, tôi đã ăn hết.
Sự ghê tởm của bà ta như phần nổi của tảng băng, rất dễ thấy, nhưng vì cha tôi lựa chọn lờ đi nên bạn bè và gia đình đều không giúp được gì cho tôi.
Thi thoảng họ tỏ ra không đồng tình - nhưng họ biết nếu làm quá, bà ta có thể sẽ đuổi họ đi và cô lập tôi.
Khi ở nhà bạn bè hay người thân, tôi được chiều chuộng vì người lớn muốn bù đắp chút ít cho sự đối xử của bà ta với tôi bằng những hành động bày tỏ lòng tốt.
Mỗi người đều có tác động nào đó với tôi. Đến giờ tôi vẫn thường nhớ về một người anh họ từng lén lút cho tôi một cái Kit Kat.
Người khác khó lòng hiểu được suy nghĩ của một đứa trẻ bị bạo hành bởi một nhân vật có ảnh hưởng lớn với nó từ khi mới lên 5.
Họ hỏi tôi: 'Sao cô không chống lại bà ta?' Giả sử mấy người đó ở trong tù, họ có dám chống lại quản ngục độc ác chăng?
Bạn thân của tôi và tôi từng nói xấu bà ta, nói bà ta là phủ thủy. Bà ta từng rít lên: 'Tao biết mày nói gì về tao.'
Nếu những lúc như thế có ai khác bên cạnh - người hàng xóm, người thợ điện, hay chị sinh viên trao đổi văn hóa - thì tôi được an toàn. Nếu chỉ có hai chúng tôi, bà ta sẽ không nương tay.
Bà ta gội đầu cho tôi bằng cách ấn đầu tôi dưới vòi nước khiến tôi không thở được, và chỉ đến khi tôi ngạt thở mới thả tôi ra.
Rồi sấy khô tóc, bà ta làm da đầu tôi nóng bỏng vì máy sấy, kéo tóc tôi bằng cây lược. Bà ta cắt móng tay của tôi đến chảy máu.
Cornelia - chị sinh viên trao đổi người Đức từng ở nhà chúng tôi - gần đây có gửi cho tôi một bản cuốn nhật ký của chị ấy.
Cô gái 18 tuổi khi ấy thật trung thực và giàu nhân đạo - trong thời điểm mà sự trung thực và nhân văn đang thiếu hụt. Chị ấy viết:
'Tôi chưa từng nghe bà Isabella nói một lời tử tế nào với Chrissie trong 5 tháng tôi ở đó! Hôm nay khi tôi rời khỏi ngôi nhà này, Chrissie đang ở trong phòng cô bé và khóc. Tôi chắc chắn 99% đó là vì một lời nào đó của bà Isabella.
Và Chrissie không bao giờ, KHÔNG BAO GIỜ cãi lại! Tôi luôn nhớ bản thân mình khi mới 13-14 đã như thế nào. Lạy chúa!
Còn một điều nữa, Chrissie không bao giờ tự làm bữa sáng cho mình. Bữa sáng của cô bé luôn là một tô đầy bắp, sữa, ngũ cốc, một cốc sữa ấm và hai lát sandwich.
Tôi đã tự làm bữa sáng cho bản thân từ rất lâu rồi, đến mức tôi không nhớ nổi nữa! Tự quyết định xem bản thân muốn ăn bao nhiêu. Đó không phải là điều bình thường ư?
Nhưng trong cái nhà này thì không.
Một sự thật khác là: bà Isabella gội đầu cho Chrissie! Cho tôi xin đi! Cô bé không thể tự làm được hay sao? Cô bé gần 14 tuổi rồi!'
Mẹ kế tôi nắm quyền lực kiểm soát tuyệt đối. Khi tôi 14 tuổi, bà cho phép tôi dự một bữa tiệc với bạn bè, nhưng buộc tôi phải mặc theo ý bà ta: chiếc quần ống loe cũ của bà ta từ những năm 60. Trong khi đó quần ống bó đang là mốt. Tóc tôi cũng bết lại vì bà không cho phép tôi gội đầu. Tôi phải trốn trong nhà vệ sinh.
Nhưng gia đình tôi cũng vẫn có những buổi đi chơi chung; chúng tôi sống gần biển và có thể đi bộ ra bờ biển. Với người ngoài, nếu không để ý kỹ, thì tôi có vẻ được tự do.
Isabella bắt tôi bò rạp để đánh bóng sàn gỗ sồi khổng lồ trong nhà. Còn em trai tôi Ethan - con trai ruột của mẹ kế từ hôn nhân trước đó - chẳng bao giờ phải động một ngón tay.
Nhưng tôi không ngại làm việc nhà. Việc đó sẽ làm hài lòng bà mẹ kế với ham muốn thống trị và làm nhục tôi, và giảm độ tức giận của bà ấy.
Nỗi giận dữ điên cuồng của bà ấy khiến bà mất hết lý trí. Khi tôi vuốt ve một con chó trong công viên, bà ta nói: 'Tao không quan tâm đến mày, nhưng nếu mày tha về cái gì đó rồi đưa cho Ethan thì tao sẽ giết mày.'
Tôi biến thành một người máy. Tôi không đáp lại những chế giễu. Tôi mặc mình bị đánh. Tôi thầm nghĩ, cái gì sẽ cứu rỗi tôi chứ?
Và tôi may mắn vì có người em Ethan - con trai bà - đã rất công bằng và dũng cảm. Chỉ có thằng bé dám đứng lên bảo vệ tôi trước mặt bà ta.
Khi tôi chín tuổi, bà vào phòng tôi, gầm gừ: 'Nếu mày làm loạn đồ của tao thì tao sẽ làm loạn đồ của mày!' và gạt bộ sưu tập xe hơi đồ chơi của tôi xuống sàn.
Ethan bật khóc và hét lên: 'Mẹ đừng ác với chị Chrissie nữa!'
Khi đó thằng bé 6 tuổi.
Isabella đối xử bất công rõ rệt. Chị Cornelia viết trong nhật ký:
'Isabella nói chuyện với Ethan, vuốt ve mái tóc của thằng bé, cười đùa. Nhưng bà chẳng nói gì với Chrissie trừ câu 'Bày bàn ăn đi'. Nếu Chrissie hỏi bất cứ điều gì, bà ta sẽ cho những câu trả lời mỉa mai.
Trong album ảnh (mà tôi đã mở ra xem khi cả nhà họ đi chơi), gần như chẳng có bức ảnh nào của Chrissie cả mà toàn là ảnh của Ethan. Thằng bé chưa từng bị mắng. Thằng bé bỏ mứa đồ ăn mọi bữa - và bà mẹ chẳng bao giờ phàn nàn ép ăn cả.
Tội nghiệp Chrissie thậm chí không thể xin được ăn ít hơn, vì con bé bị bắt phải biết ơn với những gì được cho! LẠY CHÚA! Thực sự là địa ngục.'
Điều khó chấp nhận hơn với tôi là cha tôi lựa chọn lờ chuyện đó đi.
Trước mặt bố tôi, Isabella sẽ không hung dữ. Bà từng bắt tôi bôi kem phủ khuyết điểm lên vết bầm trên mặt (nói với tôi đó là thuốc bôi ngoài da) trước khi cha tôi đi làm về.
Sự lờ đi của cha và vẻ ngoài hòa thuận giả dối của gia đình khiến tôi không còn sự lựa chọn nào khác phải diễn tiếp phần của mình.
Nhìn bên ngoài, chúng tôi là một gia đình bình thường. Chúng tôi đi sở thú, đến nhà thờ. Mỗi ngày là một sự tra tấn tinh thần, chỉ có đến trường tôi mới có thể thả lỏng một chút.
Cuối cùng, khi tôi 18 tuổi, tôi trốn thoát, đi học đại học ở Mỹ. 12 năm sau khi bà qua đời, thì mối quan hệ giữa Isabella và tôi vẫn không thể dứt bỏ, dựa trên những hồi tưởng về quá khứ.
Cho đến hôm nay, cha tôi vẫn khăng khăng tự lừa dối bản thân rằng tuổi thơ của tôi rất tốt đẹp. Nhưng tôi không bao giờ làm khó ông.
Khi ấy, không ai bảo vệ tôi, nên tôi cảm thấy mình có quyền ích kỷ gìn giữ cái mà tôi gọi là gia đình.
Tôi nghĩ mọi đứa trẻ bị bạo hành và bỏ bê vẫn khao khát tình cảm của cha mẹ, dù cho người lớn đã đánh mất quyền có được điều đó. Nếu Isabella cho phép, tôi vẫn sẽ thờ cúng bà.
Khi ấy, chỉ có cha tôi mới có thể bảo vệ tôi, nhưng trừ khi ông tìm cho tôi một vệ sĩ thì tôi vẫn sẽ bị tổn thương, bởi ông thường xuyên vắng nhà.
Chị sinh viên trao đổi từng viết: 'Đôi khi Marcus cũng nhẹ nhàng âu yếm bờ vai cô con gái. Nhưng tôi nghĩ vậy chưa đủ. Ông ta để mọi trách nhiệm nuôi dạy con vào tay Isabella.'
Vài năm trước, một người họ hàng thú nhận với tôi rằng bà ấy từng nghĩ đến việc báo chính quyền: 'Nhưng rồi họ sẽ làm gì? Đưa cháu vào trại trẻ mồ côi ư?'
Tôi không muốn rời xa gia đình lớn của mình. Tôi không tin bất cứ cuộc điều tra nào sẽ dẫn cảnh sát đến còng tay Isabella đi. Tôi không dám tưởng tượng sau đó bà ta sẽ trừng phạt tôi ra sao, sau cánh cửa đóng kín.
Chẳng có giải pháp nào cả. Chẳng có nỗ lực nào để quét sách những tội ác và cứu rỗi tôi. Khi đó hi vọng duy nhất của tôi là bà ta sẽ bị sét đánh.
Trong sự thiếu vắng những bà tiên giúp ước mơ thành hiện thực, tôi đã phải thích nghi và sống sót. Bạo hành cảm xúc dạy trẻ phải học cách tự cường - đáng buồn là chúng tôi biết rằng người lớn chẳng biết gì và chẳng giúp được gì.
Theo The Guardian
Trang ĐặngBạn đang xem bài viết Câu chuyện của một cô bé bị mẹ kế bạo hành trong khi bố đẻ âm thầm tiếp tay tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].