“Tết có hương hay vị
Mà ta nhớ ta thèm
Nghĩ về những ngày Tết
Chỉ ước làm trẻ con...”
Với những người làm cha mẹ và với cả những thầy cô giáo, đôi khi hạnh phúc giản đơn là gieo vào trẻ những nếp nghĩ suy, những sướng vui háo hức lấp lánh sắc màu của tuổi thơ khi con được CÙNG, được THAM GIA, được ĐÓNG GÓP và không bị coi là "con nít con nôi".
Khi con được trao cơ hội, tự tay cùng gia đình ông bà cha mẹ chuẩn bị Tết là cách giáo dục đầy nhân văn giúp con thấm nhuần một cách rất tự nhiên ý nghĩa, hình thành nếp nhà, hiểu sâu hơn những giá trị truyền thống của tết cổ truyền văn hóa dân tộc.
Tết là sum vầy, là nhắc ta về hai chữ gia đình, hồn dân tộc.
Dưới đây là bài viết của chị Anh Hoa, chuyên gia Giáo dục sớm, giáo viên Montessori quốc tế với các gợi ý để làm nên một cái Tết đầy hương và vị, khơi dậy những giá trị cổ truyền của dân tộc và cả nhà gần nhau, hiểu nhau hơn.
A. TRƯỚC TẾT
1. Đi chợ hoa xuân, hội chợ Tết.
2. Tham gia thả cá, tìm hiểu Tết ông Công ông Táo.
3. Cùng ông bà cha mẹ Tảo mộ Ông bà tổ tiên.
4. Tắm nước mùi già, ngâm chân gừng muối.
5. Kể chuyện Sự tích bánh chưng bánh dày và cùng gói bánh chưng (mình gói bánh bé mini thôi không ăn không hết phí phạm). Quan trọng là trẻ được THAM GIA hoạt động rửa lá, lau lá và tập gói bánh.
6. Làm mứt/ làm kẹo. Mình làm mứt dừa, mứt bí, mứt quất… miễn mình thích làm các loại kẹo, bánh an toàn cho con trẻ tránh hóa chất độc hại. Công thức có cả ngàn trên Google, các hội nhóm nấu ăn các bố mẹ seach nha!
7. Lau dọn các phòng, nhà cửa, bàn ghế.
8. Kể chuyện về ý nghĩa ngày Tết, các tập tục, cây nêu. Vì sao chúng ta “tiễn ông táo về trời ?”, “lễ cúng đêm giao thừa” có ý nghĩa gì?
9. Cùng nhau lên danh sách và đi chợ/siêu thị mua sắm đồ.
10. Trang trí cánh cửa nhà ngày Tết bằng cách dán hình cành đào/mai bằng giấy, câu đối, hộp giấy dán hình bánh chưng, các hình bán sẵn ngoài hàng trang trí…. Cũng là mang Tết về từ ngoài cửa.
11. Trồng cây vào chậu, cắm hoa vào bình nhỏ bình to trang trí.
12. Trang trí cây đào/mai/ quất (treo phong bao lì xì, các dây treo, đồ trang trí).
13. Set up lại góc chơi trong nhà của bé, dọn dẹp lại đồ chơi, lọc đồ chơi cũ còn dùng được mang đi làm từ thiện phù hợp.
14. Đập lợn đất tiết kiệm và sắm thêm 1 em lợn mới cho năm sau!
15. Học trang trí bàn ăn kiểu Việt (những thứ không thể thiếu trên mâm cơm, ý nghĩa mâm cơm người Việt).
16. Cùng bày mâm ngũ quả.
17. Hướng dẫn con lau cửa kính, các cửa ra vào…
18. Dọn tủ quần áo, cho bớt quần áo cũ đi làm từ thiện.
19. Làm cây gia phả (tùy các cấp độ từ đơn giản đến phức tạp) để hiểu rõ về các mối quan hệ trong gia đình. Khi có khách đến chúc bé có thể biết và hiểu người đó có quan hệ như thế nào với gia đình.
20. Cùng nhau Đón giao thừa, xem pháo hoa.
21. Vẽ/ tô màu các bức tranh chủ đề Tết.
22. Chơi trò alo để hướng dẫn con cách chúc Tết qua điện thoại.
23. Cùng làm mục tiêu và kế hoạch cho năm mới.
24. Cùng con lên danh sách các bạn cũ/cô giáo cũ của con lâu con không gặp để chúc Tết.
25. Cả nhà mua sắm 1 bộ quần áo mới (nên là áo dài, cứ mặc áo dài auto thấy Tết).
26. Chọn và treo thêm những bức ảnh gia đình trong năm qua lên tường.
27. Đi cắt tóc, các mẹ có thể thêm khoản làm móng, làm mi.
28. Học người thân 1 công thức nấu ăn truyền thống của gia đình.
29. Xịt nước cọ rửa đồ đạc. Miền Nam nóng ấm quẩy tưng còn Miền Bắc bố mẹ cho con mặc áo mưa rồi xịt nước rửa đồ là trẻ con sung sướng vô cùng!
30. Cùng học cách ứng xử văn minh khi nhận quà/lì xì.
31. Cùng bọc các quà đồ chơi/sách/túi hạt giống/quà lưu niệm… và cho vào 1 thùng dưới gốc đào để lì xì thay cho lì xì tiền.
B. TRONG TẾT
32. Thắp nhang/ trầm/ đốt tinh dầu trầm trong nhà.
33. Giải thích tục Xông đất đầu năm và chọn người Xông đất.
34. Gieo hạt/ và trồng 1 cái cây đầu năm thay cho tục “hái lộc” phá hoại môi trường.
35. Kể chuyện nguồn gốc tục Lì xì và cùng con đón nhận lì xì. Qua đó dạy trẻ về các giá trị văn hóa trong phong tục tập quán của người Việt: ý nghĩa của “tục lì xì, chúc nhau ngày tết” để làm gì?
36. Cùng gia đình Chúc Tết họ hàng làng xóm.
37. Cất điện thoại và cùng nhau đối thoại.
38. Chơi các trò chơi tương tác cùng nhau như: Cá ngựa, ô ăn quan, cờ tỷ phú, các trò chơi xếp hình...
39. Tự làm công thức 1 loại nước /quả "heo thì” food để Tết mời khách.
40. Viết lời nhắn trên từng trang quyển block lịch cho ông bà cho cả năm mới. Ví dụ như: Ông ơi hôm nay ông bóp vai cho bà nhé. Bà ơi hôm nay bà ngâm chân cùng ông đi. Hay bố mẹ ơi mong nhà mình sớm gặp nhau!…
41. Đi chùa cùng ông bà cha mẹ.
42. Nấu ăn cùng nhau, bố mẹ bếp chính các con lăng xăng phụ giúp.
43. Khai bút/vẽ tranh khi đầu xuân năm mới.
44. Xem phim cùng nhau.
45. Đóng kịch chúc Tết để học về sự tự tin chào hỏi và chúc tết khi khách tới nhà…
46. Cho con được \"thả ga\" xem hoạt hình / game hơn ngày thường 1 chút. Khi xác định được như vậy mình và con đều vui.
47. Viết sổ Nhật ký hạnh phúc.
48. Làm Lọ niềm vui: Kiếm 1 bình thủy tinh /lọ nhựa trong đẹp. Bút và giấy Note để cứ mỗi cuối ngày trong năm mới cả nhà sẽ viết niềm vui bỏ lọ.
49. Kể chuyện về Tết xưa của bố mẹ, các phong tục còn/mất ngày nay.
50. Trò chuyện, chuyện trò và trò chuyện.
51. Đọc sách cùng nhau.
52. Sống thật bớt ảo, bớt up ảnh câu like.
C. SAU TẾT
53. Chọn mua 1 món đồ chơi con thích. Tết mỗi con được bố mẹ lì xì 1 món đồ chơi.
54. Làm thiệp để đầu năm, ghi lời chúc để tặng bạn tặng cô.
55. Tham gia một hoạt động thiện nguyện chúc Tết các bạn nhỏ/ người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
56. Làm bức tranh mơ ước 2020 và cả nhà cùng trang trí, trên đó thể hiện mơ ước của mỗi thành viên trong gia đình trong năm mới.
57. Lên list danh sách những quyển sách hay cần đọc trong năm.
58. Vẽ con đường những điểm trong năm cả nhà cùng đi du lịch hay các con trải nghiệm cuối tuần.
59. Ghép các bức ảnh trong Tết năm nay thành một album/ clip và lưu giữ lại.
60. Pha một ấm trà cho bố mẹ và loại nước các con thích và “tổng kết” chia sẻ bên ấm trà nóng cảm nhận về cái Tết năm nay.
61. Thử một bữa/ ngày ăn chay.
62. Đi chụp ảnh và thử cho con chụp cho bố mẹ.
63. Lên kế hoạch cho việc dùng tiền lì xì của con, con có quyền quyết định sẽ làm gì nhưng cần bố mẹ định hướng và lên kế hoạch cùng con.
Tết trong mình ấm áp và đẹp vô cùng. Là Tết có mùi thơm của bánh trưng, lá mùi tắm đêm Tất niên, mùi nhang khói bình an diệu kỳ.
Vị của Tết là vị ngọt của kẹo bánh, vị ngọt của những bữa cơm gia đình sum vầy và hơn hết, là vị ngọt của tình yêu sum sầy mỗi khi Tết đến xuân sang!
Chuyên gia giáo dục Anh Hoa
Bạn đang xem bài viết Cẩm nang Tết: 63 hoạt động cùng con để tạo hương vị ngày Tết cổ truyền thật ý nghĩa tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].