Trong những buổi cafe với hội phụ nữ rảnh việc bạn tôi, chúng tôi cũng hay nói với nhau về việc dấm dúi tiền tặng bố mẹ ruột của mình.
Chúng tôi hay bao biện rằng chúng tôi đi làm dâu nhà người mà bỏ lại bố mẹ mình côi cút. Nên đứa nào cũng thấy áy náy, cũng hay xa xót bố mẹ mình.
Nhất là khi bố mẹ mình lúc nào cũng chịu thiệt thòi, không đòi hỏi càng khiến nhiều chị em xót đến rơi nước mắt. Gặp chồng tử tế thì không sao. Lỡ cưới ông chồng vô tâm thôi cũng đã đủ khiến chị em thở vắn than dài suốt.
Rồi con chung con riêng. Tôi cũng đang ở trong tình cảnh đó. Con riêng của chồng dù mình có yêu nó đến mấy nó cũng có mẹ ruột của nó. Lúc bình thường có thể con chung con riêng đều là con. Có yêu con chồng đến mấy cũng thật khó mà nghiêm khắc quá với nó. Bởi miệng lưỡi người đời không xương nhiều đường lắt léo.
Càng yêu thì ta càng muốn con nên người mà nghiêm khắc. Nhưng người ngoài nhìn vào chỉ thấy ta như một con mụ dì ghẻ. Nhiều mẹ không cần biết ất giáp gì cứ auto mà chửi. Nhưng cứ mặc nó hư hỏng thì ta có khác gì mụ dì ghẻ ác độc không?
Rồi bạn bè cũng vậy. Vì muốn giữ hôn nhân gia đình mình, nhiều người luôn miệng: Chẳng tin con đàn bà nào. Truyền thông đã bôi bẩn đi tình bạn giữa những người phụ nữ với nhau bằng những câu chuyện bạn thân cuỗm chồng. Ai cuỗm chồng bạn nếu như chồng bạn không bắn tim thả thính?
Chỗ chị em, đừng nhìn đâu xa, tự hỏi bản thân mình thôi đã: Bạn có muốn ngủ với chồng bạn thân của bạn không? Vốn là chẳng ai muốn. Nhưng thử nghĩ xem nếu như bạn thân của bạn đang dè chừng bạn, bạn có thể đau không? Chả có lẽ lấy chồng xong là chẳng còn con bạn nào đáng để mình thân và tin tưởng ư? Sao “mình” lại thế “mình” ơi!
Chúng ta đối xử với hạnh phúc của người khác cũng vậy. Nhiều người (và cả tôi một thời) cũng đều nghĩ ngay đến việc… hạnh phúc đó là giả.
Chúng ta bị truyền thông đầu độc bằng những câu chuyện các cặp đôi làm màu nên chúng ta nghi ngờ hạnh phúc của người khác. Chúng ta không tin họ hạnh phúc… hơn chúng ta.
Nhiều người còn độc miệng rằng: Cứ chống mắt xem đôi đó hạnh phúc được bao lâu? Chúng ta đố kỵ hay chúng ta cho rằng mình tinh tường hơn thiên hạ? Đó chẳng phải là ích kỷ đó sao?
Còn nhiều điều nữa mà tôi tin nếu bạn ngẫm chút, nghĩ chút sẽ nhìn ra sự ích kỷ trong mình. Như luôn chỉ thấy chồng mình tệ hơn, đàn ông xấu xí. Như luôn chỉ thấy mình bất hạnh. Như luôn chỉ thấy lỗi tại chồng, tội phải từ đàn ông.
Chúng ta tung hô nhau rằng phụ nữ là để yêu thương nhưng chính chúng ta lại hành động theo kiểu tôi là phải yêu thương, phụ nữ khác mặc kệ.
Bản thân tôi, 47 năm qua, đã sống nhiều lần ích kỷ. Sắp 50 rồi, nhìn lại đời mình mà tu sửa lại chút nào hay chút nấy. Cuộc đời đó, có bao lâu, mà hững hờ. Trịnh Công Sơn đã nói vậy…
Thanh Thanh
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Sự ích kỷ và ảo giác xung quanh ta tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].