Mọi người dường như vẫn hay lầm tưởng rằng giữ lửa là phải dùng sự lãng mạn như quà tặng nhau, như những lời có cánh trên Facebook, như những chuyến đi chơi, như trốn con hẹn hò…. Là đúng nhưng chưa trúng.
Tôi vẫn nói rằng không phải ai cũng có thể viết ra những lời lãng mạn, sến súa như tôi đâu. Không chỉ nhờ năng khiếu mà còn cần cả sự dũng cảm.
Lời tâm huyết thật lòng từ tim có thể thay cho năng khiếu, chữ nghĩa bởi nó thật và lay động trái tim người khác. Nhưng sự dũng cảm thì khó đấy!
Bởi dường như (tôi cũng không biết họ lấy quy chuẩn nào nữa) ai cũng cho rằng đàn ông cần phải ăn to nói lớn chém gió bình thiên hạ chứ thằng cha nào mà viết lời nịnh vợ thì thằng đó… kém tắm. Rằng lời trong tim không thể viết khơi khơi ra thành status như thế được.
Lòng tin của mọi người dành cho những lời sến là nó rất sến… thối! Dũng cảm để viết 1 status tặng vợ là chấp nhận bị ném đá.
Mà đôi khi đá ở trong nhà mình. Từ chính người vợ mà mình muốn gửi gắm lời sến đó.
Tôi vẫn không hiểu vì sao nhiều người vợ thích nghe nhưng luôn phản ứng khi chồng nói yêu mình bằng câu hỏi: Lại làm gì có lỗi với em à? Hay “ông dở hơi” hoặc “Kinh quá đi!” Mà tôi biết phần đa lòng các cô đều mong đợi.
Vậy thì sao lại phủ quyết? Sao lại dập vùi? Là bởi các cô mất lòng tin vào chồng mình rồi ư? Thế nên sự dũng cảm ấy thật khó! Đừng trách đàn ông lười nói lời yêu thương nếu như vợ không cho chồng thấy vợ thích nghe nó.
Tôi nghĩ về giữ lửa nhiều cách hơn là một status hoạ hoằn lắm mới viết ra hay những món quà, những chuyến đi chơi, những trò lãng mạn.
Bởi nói thật, kẻ viết hàng trăm truyện ngắn lãng mạn, hàng chục kịch bản phim cần chi tiết ngôn tình như tôi cũng có khi bí bách trò lãng mạn. Vậy thì làm sao giữ lửa được nếu chỉ trông mong trò lãng mạn?
Tôi nghĩ về giữ lửa từ hai tiếng: Cùng Nhau. Là lắng nghe nhiều hơn là nói. Là hành động sớm hơn lời nhắc. Là giúp nhau như thể đó là việc của mình.
Là cùng nhau. Không phải anh LÀM HỘ em. Không phải là em LÀM VÌ anh. Mà là Chúng ta làm cùng nhau.
Tôi nghĩ về giữ lửa không cần phải là “Này chúng mình đi du lịch với nhau đi” mà là “Hôm nay mưa, để anh đưa vợ đi làm” hoặc lẳng lặng đi kiểm tra xe cho vợ không cần vợ phải ca thán rằng xe dạo này lọc cọc. Tôi nghĩ đó là sự ĐỂ TÂM nhiều hơn ĐỂ Ý. Là không phải ăn khi đói mà là ăn một bữa vui.
Tôi nghĩ về giữ lửa bắt đầu từ việc hai vợ chồng đặt nhau vào trong tim mình, trong tâm thức của mình. Để làm gì cũng là để vợ đỡ vất vả, để chồng đỡ âu lo. Nho nhỏ thôi những điều như thế sẽ giúp lửa đượm hương nồng.
Lãng mạn của hôn nhân sau nhiều năm là bình an của vợ, là tĩnh trí của chồng. Bởi cả hai đều tin rằng luôn có người kia ở bên cạnh mình. Với tôi, nhiều khi không còn đúng sai nữa. Mà là hợp hay không hợp với cuộc hôn nhân này.
Không! Đừng nghĩ về giữ lửa như một điều gì đó “to lớn” mà hãy nghĩ về những điều nhỏ bé thôi.
Như nói cùng nhau suy nghĩ của mình nếu bạn thấy yêu vợ hoặc yêu chồng. Hãy cho anh ấy, cô ấy biết bạn yêu cô ấy, anh ấy. Như cái ôm. Như sự quan tâm bé xíu.
Và nhiều nhất chỉ là: Hãy nghĩ đến những điều chồng mình- vợ mình ĐÃ LÀM cho mình thay vì chỉ nhìn thấy những điều chồng mình- vợ mình CHƯA hoặc KHÔNG LÀM.
Giữ lửa thật khó nếu như bạn đã cạn kiệt lòng tin, cạn kiệt lòng yêu. Bằng nếu còn tin, còn yêu thì giữ lửa thật chả có gì là khó. Tin tôi đi!
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Để lãng mạn, sến súa cũng cần phải... dũng cảm tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].