10 năm trước, mình đã sững người nhìn thấy cái cây này trong thung lũng d'Orcia của xứ Toscana, miền trung Italia. Nó đứng đó, một mình giữa một biển màu vàng rực của một cánh đồng lúa mì tháng Bảy đã gặt xong.
Mình ngây người ngắm nó, và rồi lấy máy ảnh và chụp. Nhiều lần sau quay lại đây, cũng chụp góc ấy, chính cái cây ấy, cũng vẫn cùng thời điểm và vị trí chụp, nhưng không bao giờ có được tấm ảnh đẹp như đã chụp nó lần đầu. Tại sao nhỉ, mình không biết nữa!
Cái cây có một mình, nhưng nó không tạo ra vẻ cô đơn, bởi cảnh quan xung quanh đẹp quá, đẹp đến nao lòng. Mà ở thung lũng d'Orcia nói riêng và xứ Toscana miền Trung nước Ý này đẹp lắm, mùa nào cũng đẹp.
Mình đã lái xe qua đây nhiều lần trong nhiều năm, và cảm nhận được vẻ đẹp theo mùa của nó. Ngay cả những ngày sương mù và lạnh lẽo của mùa đông vẫn cứ đẹp một cách lạ lùng, còn mùa xuân thì nơi này như một biển màu sặc sỡ, trong tiếng gió nhè nhẹ và mùi của cỏ, của cây, của đất trời. Có hoa đỏ, có trời xanh và mây trắng.
Không hề là ngẫu nhiên khi mình chọn tấm ảnh này làm bìa cho cuốn "Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu", ra đời đúng tầm này 3 năm trước.
Thông điệp của bìa cuốn sách thật giản dị: Kể cả khi bạn có một mình, bạn cũng không hề cô đơn, bởi bạn vẫn cần phải yêu lấy chính mình, và cuộc sống này có quá nhiều điều tuyệt vời để ta đắm chìm trong đó, dù có bất cứ điều gì xảy ra đi chăng nữa.
Bạn sẽ phải chết, đương nhiên rồi, không thể tránh khỏi, nhưng sống tử tế, tích cực, lạc quan và đàng hoàng trong một cuộc sống cho ra sống, vẫn hơn là chết trong buồn phiền, đau khổ và tuyệt vọng.
Cái cây như muốn nói: "Nếu bạn không thể yêu bản thân, thậm chí yêu sự cô đơn của chính mình, làm sao bạn có thể yêu ai khác?".
Chụp ở miền Trung Italia, tháng 7/2010. Một ngày sớm thôi, mình sẽ trở lại.
Trương Anh Ngọc
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Câu chuyện về một chiếc cây trong thung lũng ở Italia tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].