"Mỗi sáng thức dậy, tôi lại mỉm cười. Hai mươi tư tiếng mới mẻ đang ở trước mắt tôi. Tôi nguyện sống trọn cho từng phút giây và xem xét mọi thứ bằng ánh nhìn từ bi". (Thích Nhất Hạnh)
Sống chậm lại đem đến những cảm giác thật tuyệt, nhẹ nhàng và thư thái. Ngày trước, có những lúc mình như một chiếc Ferrari lao vào đường đua F1, sống những ngày thật hối hả, sáng mở mắt là cầm điện thoại, xem thông tin, mở Facebook và cả ngày là công việc, công việc và công việc.
Bây giờ thì khác, những gì đang xảy ra lại dạy mình một điều khác, thật tích cực: Nếu ta sống chậm lại một chút, ta sẽ nhìn kĩ hơn, yêu thương sâu hơn, suy nghĩ chín chắn hơn và trân trọng từng phút giây.
Thế là sáng dậy và bật nhạc jazz để cho những căn phòng có âm nhạc, là vài động tác hít đất, là mở cửa sổ để áng sáng ùa vào, là những tách cà phê (bà xã) tự pha, là công việc của một người làm báo được thực hiện một cách chậm rãi và thư thái, là những cú điện thoại cho bạn bè và người thân, và là những giây phút “thiền” bằng sách.
Sách bạn bè tặng, sách mua từ nhiều năm trước bây giờ được đem ra để đọc, không phải vì mình muốn thế, mà như một nhu cầu tự thân của việc sống chậm.
Để tận hưởng những khoảng thời gian như thế này. Để tăng năng lượng tích cực và sự lạc quan, trong khi vẫn cập nhật tri thức. Và để xua đi những nỗi lo lắng rất bản năng mỗi khi xem một bản tin.
Chúng ta đã từng quen với việc sống trong những sự bất trắc của cuộc sống, và điều đó tạo ra stress. Nhưng đó là khi mỗi người có những nỗi lo lắng riêng, sợ hãi riêng.
Bây giờ, có một nỗi lo lắng chung bao trùm tất cả, kết nối mọi người cùng nhau, nhân những điều bất trắc ấy lên nhiều lần.
Ta phải sống chung với tất cả những sự bất trắc ấy, nhưng ta cũng có thể cách li khỏi chúng nhờ việc giữ một khoảng cách an toàn với những điều tiêu cực bằng chính những hành động và suy nghĩ tích cực.
Và như thế, mình sống chậm mỗi ngày…
Trương Anh Ngọc
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Sống chậm 'mùa cách ly' tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].