Nhiều người không thành công được không phải vì họ làm gì cũng thất bại mà là họ làm gì cũng nghĩ đến thất bại. Là họ mang thất bại vào hiện tại và vẫn giữ trong lòng họ những thất bại cũ vào mỗi việc họ định làm trong tương lai. Là con chim sợ cành cong, là vết thương liền sẹo rồi mà vẫn đau thấu trong tâm tưởng.
Buông bỏ ám ảnh về thất bại trong đầu tưởng dễ mà thậm khó. Bởi nó đòi hỏi sự dũng cảm trong mỗi người. Phải dũng cảm lắm, can trường lắm, lỳ lợm lắm đấy. Bởi có những thất bại mà nghĩ lại đã thấy thốn đau, nghĩ lại mà sợ bước tiếp.
Nỗi sợ lặp lại thất bại đó khiến chúng ta chùn bước. Khiến nhiều người quẩn quanh trong vùng an toàn, chấp nhận sự thật rằng mình không làm được. Hoặc trốn tránh nó bằng một đường vòng rõ xa.
Thất bại là của hôm qua, chỗ của nó là ở hôm qua. Bỏ nó xuống đi, hai vai bạn đã nặng trĩu cả rồi, đôi chân của bạn đã bị nó xiềng xích lâu quá rồi. Hôm nay là ngày của Thành Công. Hôm nay là ngày của Bạn. Ngày mai là ngày của Thành Công.
Mà nếu muốn vậy, hãy chuẩn bị thật kỹ, dùng thất bại của hôm qua để mở khóa cho những gì hôm nay chứ không phải khóa bạn lại trong ngày hôm nay. Miễn là chúng ta không lặp lại cùng một lý do của thất bại cũ. Mỗi ngày chúng ta được sống chính là một bậc thang chúng ta đã hoàn thành. Để tốt hơn chính mình của hôm qua.
Tốt hơn chính mình của hôm qua. Đôi khi chỉ cần vậy là đủ để bạn đã trưởng thành. Ứng xử với thất bại cũ không phải bằng cách cố nuốt trôi nó vào trong bạn. Mà là hãy rã chúng ra và biến chúng thành kinh nghiệm, thành kỹ năng, thành bậc thang của bạn. Để rồi ngày bạn ngoảnh lại nhìn những bậc thang bạn đã bước lên, là những thất bại hoàn thành chứ không phải thất bại tiếp diễn.
Chẳng phải khi chúng ta vượt qua một ngọn núi, thứ chúng ta nhìn thấy không phải ngọn núi ấy mà là những ngọn núi khác đó sao? Vậy nên, đừng sợ thất bại của ngày hôm qua mà hãy biết sợ khi cuộc đời của bạn vẫn chỉ quẩn quanh với một ngọn núi mãi không vượt qua được.
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Cách chúng ta đối mặt với thất bại tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].