Gần đây có những người mẹ rất bế tắc tìm tới mình.
Ví dụ cách đây 2 ngày, một bạn kể “Mẹ chồng (thậm chí cả bố mẹ đẻ) em nói không có con thì không phải là một gia đình. Tại sao lấy nhau rồi không sinh em bé mà lại sống ích kỷ như vậy”.
Họ cho rằng một em bé có thể không chỉ cuộc sống gia đình trọn vẹn hơn mà thậm chí còn cứu vãn hay chữa lành được cả một mối quan hệ hoặc cuộc hôn nhân đang bắt đầu rạn nứt.
Rồi em sinh con trai đầu lòng. Em đã từng nghĩ tới những viễn cảnh tươi đẹp khi 2 vợ chồng hạnh phúc đẩy xe nôi đi dạo, cùng chăm sóc con và hạnh phúc tột cùng vì được làm cha mẹ.
Thực tế thì khác. Bầu bí làm em khó chịu, không có hứng thú gì với chồng. Hai vợ chồng cũng chỉ là dân văn phòng bình thường, nhà mới mua còn đang nợ chồng chất chưa trả hết. Sinh một đứa trẻ, bao nhiêu mối lo lại đổ dồn, trong đó có vấn đề tài chính.
Khi đứa trẻ vừa ra đời, con đã đòi hỏi ngay sự quan tâm. Chồng cũng trách móc là vợ mà không quan tâm gì đến chồng. Vậy là em bị giằng xé giữa tình mẫu tử và tình cảm vợ chồng.
Chồng đi làm về thì con đã ngủ say, chỉ có tắm rửa lên giường đi ngủ, nói chuyện hôm nay công việc thế nào thế là xong. Còn lại tất cả mọi thứ trong nhà, từ dọn dẹp giặt giũ ủi đồ nấu nướng tới những cơn đau lưng sau sinh, thức đêm thức hôm, chăm sóc con… đều do em đảm nhận.
Chồng em cũng không phải là người khéo léo, được chiều từ bé. Con cười vui thì ngồi với bố được một lát. Hoặc là sẽ chỉ ôm con khi con đã được bú no, tắm rửa sạch sẽ và trước khi đi… ngủ. Nếu con có khóc thì lại “Em bế con đi, anh bế nó cứ khóc”.
Em nói mình thực sự không sẵn sàng để làm mẹ, và thực sự có những lúc thoáng rằng đứa trẻ này không nên chào đời.
Mình nghĩ thế này.
Một đứa trẻ ra đời thực sự là một bài kiểm tra sức “bền” của một mối quan hệ. Đó thực sự là một thử nghiệm rất tàn nhẫn.
Con cái khiến cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn rất nhiều. Nếu mối quan hệ đang có vấn đề, thì với sự xuất hiện của một đứa trẻ, những điều tồi tệ có thể sẽ càng trở nên xấu xí hơn.
Trong quá trình nuôi dạy con cái, chúng ta sẽ nhận ra một “con người” khác ở người bạn đời của mình, và có thể đó là con người chúng ta không hề muốn thấy.
Có nhiều người vợ không ngờ được là, khi con mình ra đời thì chồng mình cũng đột nhiên trở thành một đứa bé. Những ức chế bắt đầu tích tụ và dồn lại rồi được nhân lên bởi sự mệt mỏi. Những trận cãi vã bắt đầu nổ ra và mẹ chồng, mẹ đẻ thì nói rằng “Chồng nó đi làm mệt, mang tiền về còn gì nữa?”.
Một đứa trẻ ra đời cũng có thể khiến nhiều người trong số chúng ta rơi vào tình trạng bấp bênh, không được nghỉ ngơi và không thể kiểm soát cuộc sống của mình như trước đây.
Nếu thực sự không sẵn sàng, thì nên đợi khi nào sẵn sàng, chứ không phải quyết định sinh con ra vì những lời nói ra nói vào của những người xung quanh: “Con cứ đẻ đi, sinh em bé rồi vợ chồng cùng nhau chăm con, mọi thứ sẽ đâu vào đấy”.
Một đứa trẻ sinh ra không phải để gánh vác trách nhiệm như vậy. Và thực tế, sự ra đời của một đứa trẻ không những không thể hàn gắn mà thậm chí còn có thể phá vỡ một mối quan hệ, kể cả dù trước đó nó bền chặt và thắm thiết đến thế nào.
Hãy là một người trưởng thành dám quyết định, chứ đừng để một đứa trẻ thậm chí còn chưa thành hình quyết định sự lựa chọn và cuộc sống của cha mẹ nó.
Linh Phan/ Parenting Expert
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Bài test hôn nhân tốt nhất tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].