Huyết áp thấp nguy hiểm thế nào?
Người bị huyết áp thấp có trị số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg, hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó.
Bệnh nhân huyết áp thấp thường có những biểu hiện: mệt mỏi, lả người và rất muốn được nghỉ ngơi, hoa mắt chóng mặt, khó tập trung và dễ nổi cáu, có cảm giác buồn nôn, nặng hơn có thể ngất xỉu...
Bên cạnh đó, người bị huyết áp thấp có thể suy giảm khả năng tình dục; da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc; vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh; thở dốc, nói như hụt hơi, nhất là sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, xây xẩm mặt mày...
Các chuyên gia tim mạch cũng cảnh báo, huyết áp hạ quá thấp còn là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh mất trí nhớ. Huyết áp càng thấp khả năng bị mất trí nhớ càng cao. Huyết áp tâm trương dưới 70mmHg thì rất có khả năng bị chứng mất trí nhớ. Đặc biệt, huyết áp giảm 10mmHg thì nguy cơ bị mất trí tăng 20%. Những người có mức huyết áp thấp kéo dài liên tục trong 2 năm có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp 2 lần.
Ngoài ra, người cao tuổi bị huyết áp thấp có thể gặp phải nguy hiểm vì các biến chứng như:
- Ngã và chấn thương do ngã: Xảy ra do hạ huyết áp gây chóng mặt và ngất xỉu. Ngã có thể gây gãy xương, chấn thương nội tạng cho đến đe dọa tính mạng.
- Sốc: Tụt huyết áp làm các cơ quan thiếu lượng máu cần thiết để hoạt động, gây tổn thương nội tạng hoặc sốc.
- Các vấn đề tim mạch hoặc đột quỵ: Tụt huyết áp khiến tim cố gắng hoạt động để bù đắp lượng máu cho cơ thể. Theo thời gian có thể dẫn đến suy giảm chức năng tim và suy tim. Hạ huyết áp cũng có thể gây ra các vấn đề như huyết khối tĩnh mạch sâu và đột quỵ.
Do đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của huyết áp thấp có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị cũng như hạn chế các biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh gây ra.
Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người dân, nhất là người cao tuổi, khi thấy cơ thể có những biểu hiện của tụt huyết áp nói trên thì nên kiểm tra huyết áp ngay và đi thăm khám sớm để được xác định chính xác, điều trị kịp thời. Người bệnh huyết áp thấp cần theo dõi thường xuyên, tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Cách xử trí khi người cao tuổi trong nhà bị tụt huyết áp
Khi người cao tuổi trong nhà bị tụt huyết áp cần xử trí như sau:
- Khi người cao tuổi có biểu hiện ngất, choáng, chóng mặt, cảm giác mất thăng bằng thì cần đặt người bệnh nghỉ ngơi ở chỗ thoáng mát, đầu thấp, nâng cao chân để tăng lượng máu lên não
- Kiểm tra huyết áp bằng các dụng cụ đo huyết áp để xác định tình trạng huyết áp và có phương pháp xử trí kịp thời
- Cho người bệnh uống nước lọc, khoảng 450ml, có thể uống thêm trà gừng, nước muối…
- Day ấn 2 huyệt thái dương cho bệnh nhân, day đi day lại khoảng 30 – 50 lần với lực mạnh dần
- Vuốt từ trán sang 2 bên thái dương khoảng 30 lần
- Gọi cấp cứu 115 để đưa người bệnh đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
An AnBạn đang xem bài viết Huyết áp thấp nguy hiểm không kém huyết áp cao, cách xử trí khi người cao tuổi bị tụt huyết áp? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].