Vì sao cần vệ sinh mũi cho trẻ?
Theo BSCK2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa Hô Hấp 1, BV Nhi Đồng 2, khoảng 80% bệnh đường hô hấp là do siêu vi gây ra làm viêm nhiễm, xuất tiết đàm nhớt gây tắc nghẽn đường thở.
Và tình trạng này khiến trẻ khó thở, khó chịu, ăn uống kém, nhất là trẻ sơ sinh và nhũ nhi. Nếu để lâu bệnh sẽ tiến triển nặng, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng trẻ.
Vì vậy, khi trẻ có những dấu hiệu như: Chảy mũi, hắt hơi, ho…, cha mẹ nên thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng các sản phẩm nước muối sinh lý phù hợp với trẻ (nhỏ mũi, chai xịt mũi) nhằm làm thông thoáng đường thở, không để ứ đọng đờm nhớt, tránh tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, virus phát triển.
Trong quá trình vệ sinh mũi họng cho con, cha mẹ cần chú ý, không để trẻ dùng chung 1 sản phẩm vệ sinh mũi họng để tránh lây lan bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu trở nặng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cha mẹ không nên tự chữa bệnh cho trẻ theo truyền miệng như dùng nước ép tỏi, hành, các loại dầu để nhỏ vào mũi trẻ vì sẽ có thể gây bỏng niêm mạc mũi khiến bệnh viêm đường hô hấp trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, để tránh các bệnh đường hô hấp cho con, cha mẹ cũng cần chú ý vệ sinh nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ; Cho trẻ uống đủ nước; Giữ ấm cho trẻ vào ban đêm…
Cách xử trí ban đầu tại nhà khi trẻ bị chảy nước mũi
Nếu nước mũi chảy ra trước có màu trắng trong, cha mẹ chỉ cần nhỏ nước muối 0,9% ngày 4-5 lần, mỗi bên mũi 3-4 giọt.
Khi nước mũi đã chuyển sang màu vàng xanh, lúc này bệnh nhi cần phải được thăm khám bởi thầy thuốc tai mũi họng để xác định chính xác mức độ, nguyên nhân gây bệnh giúp cho việc dùng thuốc an toàn và hợp lý.
Cha mẹ nhỏ mũi cho trẻ theo cách sau:
- Để bé nằm ngữa, đầu ngữa nhẹ ra sau.
- Nhỏ nước muối sinh lý ấm vào mỗi mũi. Trẻ dưới 1 tuổi nhỏ 2 đến 3 giọt, trẻ lớn hơn nhỏ 4 đến 5 giọt.
- Để khoảng 30 giây đề nước thấm vào làm loãng đàm nhớt trong hốc mũi.
- Làm sạch hốc mũi: nếu trẻ lớn biết xì mũi thì cho bé ngồi dậy và xì mũi ra một khăn sạch. Nếu trẻ nhỏ không xì mũi được thì dùng bóng hút hút đờm nhớt trong hốc mũi. Bóp xẹp bóng hút, đưa đầu hút vào trong cửa mũi, lấy tay bít mũi bên kia rồi đột ngột buông bóng phình ra, khi đó chất đàm nhớt trong hốc mũi sẽ được hút vào trong bóng hút.
- Rửa bóng hút mũi: bóp mạnh bóng hút mũi để đàm nhớt trong bóng xì vào cái khăn hoặc miếng giấy. Sau khi hút hết cả hai hốc mũi bóng hút được làm sạch bằng cách hút xả nhiều lần dưới vòi nước.
- Có thể thực hiện việc nhỏ mũi và hút mũi mỗi ngày 4 lần cho đến khi bé không còn dấu hiệu của nghẹt mũi. Cũng có thể thực hiện nhiều lần trong ngày khi bé có dấu hiệu nghẹt mũi và tình trạng tiết nước mũi nhiều.
An AnBạn đang xem bài viết Cách vệ sinh mũi cho trẻ khi thời tiết trở lạnh để tránh bệnh đường hô hấp tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].