Hơn lúc nào hết, tuổi dậy thì là lúc các con muốn tự khẳng định mình, muốn có những lựa chọn riêng…
Một số bé gái tuổi teen có thể nói hoặc hành động như thể hoàn toàn không cần đến sự quan tâm của bố mẹ, nhưng trên thực tế, sự quan tâm của bạn sẽ hướng dẫn con trở thành người phụ nữ trưởng thành.
Gia đình mới chia sẻ cùng các bậc cha mẹ một vài mẹo nhỏ để có thể trò chuyện với cô con gái tuổi teen cởi mở hơn.
1. Hãy lắng nghe con
Các bậc cha mẹ thường thích khuyên bảo, dạy dỗ, uốn nắn con, nhưng lại quên bước đầu tiên để dạy con là học cách lắng nghe.
Trong khá nhiều tình huống, thậm chí bạn không cần phải nói gì. Hãy ngồi im chăm chú lắng nghe con, nếu con đang nói.
Nếu con chưa sẵn sàng tâm sự, chỉ cần mỉm cười nhìn sâu vào mắt con, hoặc một cái nắm tay, ôm vai nhẹ nhàng.
Con chỉ có thể lắng nghe bạn một khi con cảm thấy được lắng nghe.
Nhiều khi các bài giảng đạo đức tràng giang đại hải không có tác dụng bằng một cử chỉ âu yếm. Khi nào con sẵn sàng lắng nghe bạn nói, hoặc nhờ bạn đưa ra một lời khuyên, đó mới là thời điểm thích hợp để nói chuyện với con.
Có những biểu hiện của cô con gái tuổi ô mai rất khó hiểu. Các con buồn vui thất thường, thậm chí có thể khóc lóc ầm ĩ bởi một mâu thuẫn nhỏ với bạn bè…
Những điều đó, có thể cha mẹ cảm thấy thật kỳ quặc. Nhưng hãy lắng nghe và đừng phán xét, bởi tất cả những gì con cần ở bạn là sự lắng nghe và thông cảm.
2. ‘Ba mẹ luôn yêu con, bởi vì con là chính con!’
Tất nhiên bạn vẫn luôn luôn yêu thương con gái mình, nhưng có thể không phải lúc nào cô bé cũng nhận ra điều ấy.
Không cần đến lúc con cảm thấy hoang mang, bất ổn hoặc có vấn đề gì nghiêm trọng, bạn hãy luôn nói và thể hiện bằng hành động để con hiểu rằng con được yêu thương.
Khi một cô bé tuổi teen sống trong bầu không khí yêu thương, chắc chắn con sẽ hình thành tính cách vui vẻ, lạc quan, suy nghĩ tích cực.
Khi trò chuyện với con, cha mẹ tuyệt đối không nên so sánh con với các bạn bè hoặc anh chị em ruột, hoặc với chính cha mẹ hồi bằng tuổi con.
Khi bị so sánh, trẻ sẽ có mặc cảm tự ti, cảm thấy mình kém cỏi hơn so với những người khác.
Cha mẹ có thể chỉ ra những nhược điểm của con, nhưng vẫn cần khẳng định: ‘Cha mẹ yêu con, mặc dù con không hoàn hảo’.
3. ‘OK, con có thể đi chơi. Sau khi đã học xong đấy nhé!’
Thay vì suốt ngày quấn quít bên mẹ, cô con gái bé nhỏ ngày nào đã trở nên hướng ngoại hơn.
Có nhiều em tuổi teen coi bạn bè mới là quan trọng nhất, có thể đóng cửa phòng riêng để buôn chuyện với bạn tối ngày nhưng cha mẹ chỉ vào ngồi trong phòng một chút đã khó chịu.
Con muốn đi chơi, muốn tham gia các hoạt động hội nhóm, trong khi ở nhà thì rất lặng lẽ. Có thể một vài em đã có bạn trai đưa đón đi học…
Có nhiều cha mẹ đã phản ứng tiêu cực trong tình huống này. Cấm đoán con, gây áp lực… có vẻ không phải là cách làm thông minh. Cha mẹ sẽ vô tình đẩy con ra xa mà thôi.
Hãy chào mừng những biểu hiện này vì nó cho thấy con gái bạn đang bước vào thế giới người lớn. Con sẽ sớm có những mối quan hệ như người lớn, và những mối quan hệ đó của con cần được tôn trọng.
Tuy nhiên, các mối quan hệ ngoài xã hội cần không ảnh hưởng đến viêc học tập của con. Thay vì nhốt con ở nhà, tránh xa mọi hoạt động tập thể hay các mối quan hệ bạn bè, cha mẹ cần đảm bảo rằng việc học của con vẫn ổn.
Bất cứ khi nào con bạn đạt thành tích trong học tập, đừng quên khen thưởng con. Đây là cách khéo léo để con tự hình thành những ‘chuẩn giá trị’ cần đạt được trong cuộc sống của mình.
4. Đừng bỏ quên sự nhạy cảm
Trong tất cả các mối quan hệ, đều cần sự nhạy cảm. Tuy nhiên, với những cô con gái đang tuổi lớn, sự tinh tế, nhạy cảm của cha mẹ cực kỳ quan trọng.
Dù nhiều hay ít, các con ở tuổi này sẽ gặp khó khăn khi trò chuyện cùng cha mẹ. Đôi khi, các con giả vờ không thèm quan tâm đến ý kiến của cha mẹ, hoặc làm ngược lại ý muốn của phụ huynh như một cách tự khẳng định mình.
Là một cha mẹ thông thái, bạn sẽ không nổi nóng trong tình huống này. Con không phải đang không tôn trọng bạn, mà đơn giản là con đang gặp khủng hoảng tuổi dậy thì mà thôi.
Nếu thấy thật khó để mở lời, bạn hãy viết thư cho con và để lên bàn học, giường ngủ hoặc bất cứ đâu mà con dễ thấy.
Con có thể đọc bức thư lúc nào con muốn. Hãy để con có một vài ngày để suy nghĩ về những gì bạn viết và chờ đợi phản ứng của con.
5. Cho con được phép lựa chọn khi thích hợp
Rõ ràng các cha mẹ muốn con trưởng thành, vậy thì đừng quyết định hộ con tất cả. Con cần có quyền lựa chọn…
Chọn trường cấp III mà con muốn thi vào, chọn định hướng nghề nghiệp tương lai… Hay đơn giản là chọn màu ga trải giường trong phòng riêng của con.
Hãy để con lựa chọn bất cứ khi nào có thể.
Con có thể lựa chọn không thực sự tốt, có thể tỏ ra kỳ quặc. Nhưng hãy để khoảng không cho con gái bạn!
Trách nhiệm của bạn là giúp con hiểu được các ranh giới, phân biệt đúng – sai, những nguyên tắc cơ bản không được phá vỡ khi lựa chọn.
Cô con gái bé bỏng ngày nào gần đây bỗng lớn phổng phao. Cùng với những mụn trứng cá lấm tấm, cơ thể tròn trịa hơn, là vô số thay đổi khác khiến con bối rối… Mà thực ra, bố mẹ còn bối rối hơn gấp nghìn lần, vì con gái thay đổi nhanh quá.
Hãy áp dụng ngay những gợi ý trên để trò chuyện thật chân thành và cởi mở với con bạn nhé!
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Cách giải quyết 'khủng hoảng' cho... cha mẹ khi con gái dậy thì tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].