Bội nhiễm thủy đậu, nhiễm trùng toàn thân sau 4 ngày 'kiêng' tắm

Mắc thủy đậu nhưng tưởng nhầm là zona thần kinh, anh H.N. tự mua thuốc và kiêng tắm 4 ngày liên tiếp, khiến bệnh ngày càng nặng, sốt cao, nhiễm trùng toàn thân.

Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nam có tên H.N. (34 tuổi) bị thủy đậu bội nhiễm.

Anh N. đã từng mắc bệnh thuỷ đậu. Chủ quan tiếp xúc trực tiếp, không đeo khẩu trang với người mắc bệnh zona thần kinh, sau 2 tuần, anh bắt đầu nổi hạch sau tai, tăng dần các hiện tượng sốt, mụn nước toàn thân.

Nghĩ bản thân mắc zona thần kinh, anh N. tự mua thuốc và thực hiện “kiêng nước, kiêng gió” không tắm rửa đều đặn 4 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng, anh sốt cao, mụn nước hóa mủ nhiễm trùng trầm trọng toàn thân gây đau rát, ngứa ngáy, mệt mỏi.

Tại bệnh viện, qua thăm khám và dựa trên các chỉ số xét nghiệm, BSNT Đàm Thị Thanh Tâm chẩn đoán anh N. tái mắc thủy đậu, biến chứng bội nhiễm da.

Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Tâm nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, sử dụng kháng sinh tại chỗ để ngăn chặn lây lan các vết mủ.

Hiện tại, anh N. đã giảm sốt, vết mụn mủ dần se lại và ít dần.

Kiêng nước, kiêng gió là quan niệm sai lầm

Bác sĩ Tâm cho biết quan niệm “kiêng nước, kiêng gió” là sai lầm, việc vệ sinh thân thể khi mắc thủy đậu không tốt đã gây biến chứng bội nhiễm da.

Nếu không điều trị, chăm sóc da đúng cách, người bệnh có thể trở nặng gây biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, viêm gan nặng, sốc nhiễm khuẩn nguy hiểm tính mạng.

Số ca nhập viện do thủy đậu gia tăng

Đồng thời, TS.BS Lê Bá Ngọc (Trưởng khoa Nội Tổng hợp) khuyến cáo số bệnh nhân nhập viện do thuỷ đậu thời gian gần đây tăng nhanh, khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các ca biến chứng nặng cần nhập viện cũng có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ tái phát thủy đậu cao, dao động từ 5-10% khi tiếp xúc với nguồn lây và không áp dụng các biện pháp phòng tránh hiệu quả.

Phòng ngừa thủy đậu

Thời tiết miền Bắc hiện đang nồm ẩm, thất thường tạo điều kiện cho nhiều bệnh lý phát triển và lây lan, nguy cơ biến chuyển thành dịch bệnh, trong đó có thủy đậu.

Bác sĩ khuyến cáo, tiêm phòng vắc-xin thủy đậu là biện pháp chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất, giảm nguy cơ tái mắc và gây biến chứng nặng.

Khi gặp các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nên chủ động thăm khám, điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng.

Dấu hiệu thủy đậu bội nhiễm

Thủy đậu bội nhiễm là biến chứng thường gặp của thủy đậu. Khi mắc phải tình trạng này, người bệnh sẽ có các biểu hiện như sau:

- Cơ thể người bệnh sốt cao, có thể bị lạnh run người và nôn ói.

- Ở các mụn nước có thể tiết ra dịch mủ màu vàng, đục và có mùi hôi.

- Sưng to, ửng đỏ xung quanh các mụn nước, đồng thời đau nhức, nóng rát ở nốt mụn thủy đậu.

- Khi mụn nước bị vỡ có thể sẽ loét sâu hoặc hoại tử.

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính