Sáng 5/12, Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2024.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, thời gian qua, quyền bình đẳng thực chất của phụ nữ ngày càng được bảo đảm hơn, nhận thức xã hội về bình đẳng giới đã có sự cải thiện.
Điểm lại một số điểm sáng trong công tác bình đẳng giới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Việt Nam thực hiện tốt việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật và chính sách nhằm xóa bỏ những quy định mang tính chất phân biệt đối xử đối với phụ nữ và nam giới như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và các văn bản pháp luật khác đã có những quy định mới nhằm bảo đảm quyền phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 (lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới), thì công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng, cần thiết.
Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 xếp hạng 72/146 quốc gia. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn ở mức cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (đạt 30,26%); tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 28,2%. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh…Hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng và nâng cao về chất lượng.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, công tác bình đẳng giới vẫn còn một số hạn chế, thách thức đặt ra, như vấn đề di cư của nữ lao động các khu công nghiệp ở khu vực phía Nam, Tây Nguyên sau đại dịch Covid-19; vấn đề an toàn và giáo dục cho các em nhỏ là con của nữ công nhân tại các khu công nghiệp; tác động của biến đổi khí hậu, chiến tranh, suy giảm kinh tế đến phụ nữ và trẻ em; định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội;….
Đặc biệt, vấn đề chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực việc làm, vừa là cơ hội vừa là thách thức, đòi hỏi phụ nữ phải trang bị kịp thời các kỹ năng và kiến thức, thường xuyên cập nhật bổ sung kiến thức mới, chuyên sâu, thiết thực, phù hợp với thực tiễn.
Với công tác vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ LĐTBXH, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá: thời gian qua, công tác vì sự tiến bộ phụ nữ của các đơn vị đã thu được nhiều kết quả, tỷ lệ nữ cán bộ tăng, trong đó có cả nữ cán bộ là người dân tộc; trình độ đào tạo ngày một nâng cao; nữ cán bộ năng động, giỏi việc nước đảm việc… Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong các nữ cán bộ cố gắng vươn lên, nỗ lực hoàn thiện bản thân, nắm giữ các vị trí lãnh đạo, có như vậy mới đảm bảo vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới bền vững.
Về nội dung chương trình tập huấn, Thứ trưởng đề nghị các giảng viên trong quá trình giảng bài cần liên hệ với thực tiễn, đưa ra tình huống, vấn đề để cùng nhau trao đổi, thảo luận.
Chương trình tập huấn diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 05/12 - 06/12. Theo đó, các đại biểu được nghe ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, trao đổi về một số nghiệp vụ công tác vì sự tiến bộ phụ nữ. Sau đó, các đại biểu sẽ tiếp tục trao đổi về các chuyên đề: Vai trò của phụ nữ trong thực hiện công tác giảm nghèo; Các chính sách đối với trẻ em dưới góc nhìn về giới.
An AnBạn đang xem bài viết Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2024 tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].