P.N.M.A (sinh năm 2000, ở tại Điện Biên) được đưa đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội) với các biểu hiện bất thường.
Theo M.A, khoảng 3 năm trở lại đây, bệnh nhân thường xuyên bực tức, cáu gắt khi không được đáp ứng yêu cầu. M.A luôn cho rằng bố mẹ không yêu thương mình nên rất ít khi nói chuyện, em chỉ có duy nhất một bạn thân ở lớp.
Khoảng 10 ngày trước khi vào viện, M.A có biểu hiện mất ngủ, ít nói, ít giao tiếp với mọi người, bực tức với người thân, có cơn ngã vật xuống nền nhà, người mềm nhũn.
Trong gia đình, M.A và bố có quan hệ không tốt. Bố M.A có tính gia trưởng, ít quan tâm tới gia đình, ông từng bài bạc, ngoại tình. Sau nhiều lần bị bố đánh, M.A tức giận, né tránh, gặp bố không chào, ăn cơm không mời. Gia đình M.A rất căng thẳng.
Mẹ của M.A cũng là người có hoàn cảnh phức tạp khi kết hôn lúc 21 tuổi và ly hôn vài năm sau đó. Người bố gia trưởng này là chồng thứ 2 của mẹ M.A.
Khi biết chồng ngoại tình, mẹ của M.A từng uống thuốc tự tử, nhưng bất thành, được hàng xóm cứu. Trong cuộc sống hàng ngày, thay vì nói những điều tích cực, mẹ của M.A liên tục than phiền vì thất bại trong hôn nhân, sự cam chịu của ông ngoại (từng bị vợ bỏ đi, để lại 3 con cho ông nuôi). Mỗi lần hai vợ chồng cãi nhau, M.A, em trai ruột và chị gái cùng mẹ khác cha, đều chứng kiến...
18 tuổi, học lớp 12 và chuẩn bị thi đại học, nhưng M.A rất mơ hồ hoang mang về tương lai. Học lực của em giảm dần theo từng năm. Em nhút nhát, thụ động, không có hứng nói chuyện, lúc nào cũng lo sợ khi ở trường, ở nhà.
Mấy năm nay, khi về nhà, M.A thường xuyên cáu bẳn, gây hán với người em trai ruột 8 tuổi bướng bỉnh. Mâu thuẫn với bố ngày càng tệ khi cách đây 1 năm, khi bố biết được chuyện em nhắn tin rủ bạn trai bỏ học đi xem phim, ông đã đánh em một trận thừa sống thiếu chết, cấm tuyệt đối chuyện yêu đương.
Mẹ M.A cho biết, em từng được đưa vào Bệnh viện tỉnh điều trị nhưng không hiệu quả nhiều nên chuyển lên tuyến Trung ương. Tại đây, em được làm các xét nghiệm lâm sàng, các test đánh giá tâm lý. Mới vào viện, nữ sinh 18 tuổi này không thể trả lời đồng nhất các câu hỏi, không thực hiện được test.
Biết con vào viện điều trị, nhưng bố của M.A vẫn chỉ gượng gạo gọi điện cho con đẻ để nói dăm ba câu khi bị vợ thúc ép. M.A vì thế càng không tôn trọng bố đẻ của mình.
"Với những biểu hiện lo lắng, cảm xúc, suy nghĩ của M.A, chúng tôi hướng những chẩn đoán bệnh của nữ sinh này là giai đoạn trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần" - BS Nguyễn Thị Cẩm Tú (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1) cho hay.
Các bác sĩ cũng cho biết, với trường hợp của M.A, những vấn đề tâm lý của em có thể được cải thiện nếu có sự kết hợp từ hoá dược và trị liệu tâm lý - giáo dục phù hợp, đồng thời tư vấn gia đình phải có những ứng xử tích cực từ phía người thân. Nhà trị liệu cùng gia đình sẽ phải trao đổi với em về bệnh trầm cảm, dự định nghề nghiệp, kiểm soát cảm xúc...
2 tuần sau điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, M.A có những biểu hiện tiến bộ về cảm xúc, hành vi. Em không còn buồn chán, muốn chết, hợp tác điều trị. Nhưng em vẫn ít nói, ngại giao tiếp, ngủ chưa tốt... 2 tuần tiếp theo khi có sự kết hợp điều trị tâm lý, tư vấn gia đình, em đã ăn ngủ tốt hơn, không còn cơn ngã ngất. Em vui vẻ, tự tin hơn...
Các bác sĩ cho biết, M.A là ca lâm sàng tiêu biểu cho những biểu hiện trầm cảm ở thanh thiếu niên có liên quan tới cách ứng xử của gia đình.
Mnh VũBạn đang xem bài viết Bố ngoại tình, mẹ tự tử bất thành, con gái 18 tuổi áp lực nhập viện điều trị tâm thần tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].