Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) và môn Lịch sử bậc trung học phổ thông trong chương trình này.
Tham gia cuộc làm việc có thành viên Ban phát triển chương trình GDPT 2018; thành viên Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Hội đồng thẩm định chương trình môn Lịch sử trong chương trình GDPT 2018.
Tại buổi làm việc, Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến trao đổi về quá trình triển khai chương trình GDPT 2018, trong đó đặc biệt trao đổi và lắng nghe những ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh: Các chuyên gia đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế. Riêng với việc dạy học môn Lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 sẽ học theo Chương trình GDPT mới, được tự chọn nhiều môn học thay vì tất cả đều là môn học bắt buộc như hiện nay, trong đó Lịch sử là môn tự chọn.
7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
5 môn tự chọn thuộc 3 nhóm môn, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học, bao gồm: nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật)).
Tranh cãi trái chiều xung quanh dạy học môn Lịch sử năm học tới
Ngay khi Bộ GD&ĐT đưa ra chương trình năm học tới, trong đó môn Lịch sử là môn tự chọn, học sinh có thể lựa chọn học hoặc không học, các chuyên gia giáo dục và dư luận quan tâm vấn đề này đã có những quan điểm trái chiều.
Dưới góc nhìn của mình, GS.TS Lê Anh Vinh (Viện trưởng Viện Giáo dục Việt Nam) cho hay, việc để Lịch sử trở thành môn học tự chọn là hợp lý, đây là xu hướng tất yếu bởi việc mở rộng hệ thống đi kèm với sự đa dạng hóa giáo dục.
Theo GS Vinh, hầu hết các kiến thức thông Sử (kiến thức phổ thông, cơ bản mà một công dân Việt Nam cần có đối với lĩnh vực Lịch sử) đã được giới thiệu đầy đủ cho đến hết chương trình lớp 9.
Học sinh tốt nghiệp THCS là đã hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản nên kiến thức Lịch sử, cũng như tất cả các môn học khác, đã đạt trình độ phổ thông.
Chương trình Lịch sử ở THPT sẽ được tổ chức dưới dạng chuyên đề, đào sâu vào các lĩnh vực chuyên biệt của ngành Sử học như nghiên cứu lịch sử, lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, văn hóa, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới. Những học sinh có năng lực, thiên hướng và nhu cầu theo đuổi định hướng nghề nghiệp liên quan tới môn Sử sẽ được tiếp cận sâu hơn. Với góc nhìn này, sẽ rất nhiều giáo viên mong muốn môn học của mình là môn tự chọn vì đó là một bước đi tiến bộ mang lại nhiều cơ hội cho cả học sinh và giáo viên.
Trái ngược lại ý kiến của TS Vinh, trên một số diễn đàn giáo viên và nhà quản lý giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay học sinh vốn đã "sợ" môn Lịch sử nên khi việc đưa Lịch sử vào môn tự chọn, các ý kiến lo ngại sẽ rất ít em lựa chọn môn học này. Một giáo viên xin giấu tên cho biết, đổi mới là xu thế tất yếu nhưng nên dựa vào vai trò và đặc thù vị trí của từng môn học.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng: Lịch sử dân tộc và thế giới gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của mỗi quốc gia. Đặc biệt, Lịch sử xem như sợi dây kết nối từ quá khứ tới hiện tại nên cần thiết phải đưa vào môn học bắt buộc.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bộ GD&ĐT đang cân nhắc, chưa chốt phương án dạy môn Lịch sử tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].