Bệnh nhân là bà H., 45 tuổi, quê tại tỉnh Kiên Giang nhập viện tại bệnh viện ĐK Trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau hạ vị ngày càng tăng trong khoảng 10 ngày.
Sau khi chụp CT, kết quả cho thấy bụng bệnh nhân có dị vật dạng xương cá đâm xuyên thành quai ruột non vùng hố chậu trái.
Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi cấp cứu cho bệnh nhân, bóc tách khối viêm ở thành bụng thì thấy hố chậu trái có khối viêm kích thước 3x4 cm được mạc nối lớn bám.
Khi phẫu tích khối viêm ở thành bụng, cắt mạc nối lớn, các bác sĩ lấy ra dị vật là xương cá dài 3 cm.
Theo các chuyên gia y tế, phần lớn dị vật đi qua đường tiêu hóa ra ngoài một cách an toàn trong vòng 1 tuần.
Tuy nhiên, khoảng 1% các dị vật sắc nhọn như kim, lưỡi lam, tăm xỉa răng, xương gà, xương thỏ và xương cá có thể xuyên qua thành ruột và gây viêm phúc mạc.
Xương cá chiếm 46% trong số những nguyên nhân gây thủng ruột non. Thủng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa nhưng thường xảy ra ở những chỗ gập góc hoặc đoạn có đường kính hẹp.
Xương cá gây thủng thành của ống tiêu hóa, dẫn đến nhiễm trùng khoang ngoài ống tiêu hóa, dẫn đến áp-xe cổ, áp-xe trung thất hay viêm phúc mạc toàn diện.
Thủng ruột do xương cá thường gây ra các triệu chứng như đau bụng (95%), sốt (81%). Những triệu chứng khác như buồn nôn, ói, ói ra máu hoặc tiêu ra máu.
Thống kê từ đầu năm đến nay, tại BV ĐK Trung ương Cần Thơ đã có 15 trường hợp phẫu thuật thủng ruột do xương cá. Thủng ruột do xương cá đòi hỏi phải mổ cấp cứu lấy dị vật, khâu lỗ thủng đơn thuần cắt đoạn ruột non. Phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy xương cá là lựa chọn tốt vì ít xâm lấn so với mổ mở.
BSCKII Bồ Kim Phương, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa – Huyết học lâm sàng, BV ĐK Trung ương Cần Thơ khuyến cáo người dân, khi ăn những thực phẩm có nhiều xương như cá, gà, vịt… phải thật cẩn thận. Vì các loại xương này là dị vật có thể mắc ở bất kỳ vị trí nào trên ống tiêu hóa (từ thực quản đến hậu môn) gây ra những biến chứng rất nguy hiểm.
Nếu bệnh nhân vô tình nuốt phải xương cá thì nên đưa thẳng vào bệnh viện để được can thiệp. Bệnh nhân không nên sử dụng những phương pháp dân gian như: nuốt một miếng cơm có kích thước lớn, uống nhiều nước, vuốt xuôi chiều họng, không tự ý móc bỏ xương bằng tay mà cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí sớm, tránh trường hợp dị vật đâm thủng thành ống tiêu hóa gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
An AnBạn đang xem bài viết Bị xương cá dài 3cm 'lang thang' trong bụng 10 ngày và đâm thủng ruột tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].