Thông tin từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, mới đây, bệnh viện vừa tiếp nhận và chẩn đoán một nữ bệnh nhân bị ung thư máu mạn tính mà không có triệu chứng điển hình.
Bệnh nhân H. T. M. có tiền sử khoẻ mạnh. Trước đó 10 ngày, bà M. bị râu tôm chọc vào ngón tay phải khiến ngón tay sưng nề, tấy đỏ, đau nhiều. Bệnh nhân đi chích rạch tháo mủ tại phòng khám tư. Sau vài ngày, bệnh nhân đi khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh phát hiện Bạch cầu, Tiểu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng Lách to.
Tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Bạch cầu tuỷ mạn (ung thư máu mạn tính). Trải qua 10 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện, về uống thuốc tại nhà và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.
Bệnh ung thư máu
Ung thư máu mạn tính
Theo ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hoá chất, nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư máu mạn tính chỉ tình cờ phát hiện khi khám, xét nghiệm tầm soát sức khoẻ hoặc khi đi khám vì một vấn đề sức khoẻ liên quan nào đó.
Đối với bệnh ung thư máu mạn tính, các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và thể bệnh: Giai đoạn đầu của bệnh có thể có các triệu chứng như mệt mỏi, gầy sút cân, mất ngủ, ra nhiều mồ hôi trộm… nhưng cũng có những trường hợp không có triệu chứng gì như trường hợp bệnh nhân M. nêu trên.
Ở giai đoạn bệnh tiến triển hoặc giai đoạn muộn, các triệu chứng của bệnh thường biểu hiện rõ hơn như thiếu máu, gan lách to, hạch to, thậm chí cả biểu hiện của tắc mạch máu do bạch cầu tăng cao hay tình trạng nhiễm trùng tái diễn do suy giảm miễn dịch.
Ung thư máu cấp tính
Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và thể bệnh ung thư máu cấp tính, có thể bao gồm:
- Sốt kéo dài, dễ nhiễm trùng, ra nhiều mồ hôi đêm.
- Gầy sút cân nhanh, xanh xao, mệt mỏi.
- Gan to, lá lách to, hạch to, phì đại lợi, đau xương.
- Xuất huyết trên da hay chảy máu khó cầm…
Do đó, khi có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, người dân không nên chủ quan mà cần đi khám ngay. Ngoài ra, khám sức khoẻ định kỳ hàng năm cũng vô cùng quan trọng để kiểm soát sức khoẻ của mình và phát hiện bệnh ở giai đoạn “mầm mống”.
Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, nếu nghi ngờ ung thư máu người bệnh sẽ được chỉ định làm thêm xét nghiệm tủy đồ và/hoặc sinh thiết tủy xương để chẩn đoán xác định bệnh. Đồng thời làm thêm các xét nghiệm di truyền, miễn dịch, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm khác để phân loại thể bệnh, giai đoạn bệnh, phân nhóm nguy cơ, theo dõi điều trị.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bị râu tôm chọc vào tay, 10 ngày sau đi khám bất ngờ phát hiện bị ung thư máu tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].