Ung thư vú di căn sang những cơ quan nào?
Nhiều người cho rằng ung thư vú di căn, giai đoạn 4 có nghĩa là chấm hết và cho rằng không còn có phương pháp điều trị.
Nhưng những phụ nữ bị chẩn đoán bị ung thư muộn nên hỏi bác sĩ về những phương pháp điều trị, họ cần làm gì trong quá trình điều trị là tốt nhất.
Ung thư vú di căn thường sẽ vào 3 cơ quan: Xương, phổi và não.
Tỷ lệ ung thư vú di căn xương chiếm đến trên 85%, bởi xương là nơi dễ di căn đến nhất đối với các tế bào ung thư vú ác tính. Khi di căn sang xương các tế bào tăng sinh có thể dẫn đến phá huỷ xương, gây loãng xương, nghiêm trọng nhất là làm giòn, gãy xương.
Khả năng ung thư vú di căn xương đối với từng vùng xương thường gặp nhất là: Vùng xương chậu, xương thắt lưng, xương sườn, xương sọ, đốt sống cổ...
Ung thư vú di căn phổi được xếp vào vị trí thứ hai sau di căn xương. Các khối u lây lan sang phổi thường có kích thước không tới 3cm, cứng và không nằm tại vùng ngoài của phổi. Ung thư vú di căn phổi có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi, xẹp phổi hoặc tràn dịch màng phổi.
Di căn não chiếm tỷ lệ khoảng 18% trong các trường hợp di căn từ ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh. Theo đó, các tế bào ung thư ác tính bắt đầu tấn công lên não, thường vào vị trí giữa vùng chất xám và chất trắng của não, hoặc các xoang và các mạch máu.
Các giai đoạn của ung thư vú
Giai đoạn 1: Các tế bào ác tính phát sinh, nhưng chưa có dấu hiệu xâm lấn sang các khu vực xung quanh.
Giai đoạn 2: Tế bào ác tính phát triển cả về số lượng và kích thước so với giai đoạn 1 nhưng vẫn chưa xâm lấn sang các khu vực khác.
Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư phát triển nhanh về số lượng và gia tăng về kích thước. Những tế bào ác tính tấn công đến các cơ quan lân cận và tấn công vào hệ bạch huyết.
Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của người bệnh. Bệnh ở giai đoạn cuối có đặc trưng đó là những tế bào ác tính đã di căn đến những bộ phận khác của cơ thể như não, phổi, gan…
Ung thư vú di căn có chữa khỏi được không?
Ung thư vú di căn tức là ung thư đã bước sang giai đoạn 4: Đối với những trường hợp ung thư đã di căn, triển vọng sống khá thấp.
Tuy nhiên, dù không thể chữa khỏi bệnh, nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát bệnh, kéo dài tỷ lệ sống 5 năm lên 13% và 10 năm là 10%.
Nhờ phát hiện bệnh sớm và những tiến bộ trong điều trị y học những năm gần đây, tỷ lệ tử vong do ung thư vú có xu hướng giảm.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, có tới 85% phụ nữ mắc ung thư vú có thể sống ít nhất 5 năm, 77% sống ít nhất 10 năm và 64% sống trên 20 năm nếu bệnh nhân được điều trị tích cực.
Phương pháp điều trị ung thư vú di căn
Phương pháp điều trị trong giai đoạn ung thư di căn này là: tốt nhất bạn hãy làm việc chặt chẽ với bác sĩ (hoặc nhóm các bác sĩ) mà bạn tin tưởng.
Hãy cởi mở với bác sĩ, bày tỏ bất kỳ mối lo ngại về triệu chứng, phương pháp điều trị và tiên lượng của bạn. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu các phương pháp điều trị được đề nghị và tại sao. Cuối cùng, theo dõi các lựa chọn điều trị mà bạn và bác sĩ đã chọn.
Tất nhiên điều trị được thiết kế để cải thiện tiên lượng của bệnh nhân ung thư vú. Mức độ cải thiện phụ thuộc vào phương pháp điều trị được lựa chọn. Hai dạng chính của điều trị là:
- Điều trị tại chỗ để điều trị một khối u cụ thể. Phương pháp điều trị khu vực bao gồm phẫu thuật loại bỏ khối u và xạ trị để thu hẹp hoặc phá hủy khối u.
- Điều trị toàn thân, thông qua dòng máu đi khắp cơ thể. Thuốc hóa trị liệu và liệu pháp hormone là phương pháp điều trị toàn thân.
Phương pháp điều trị toàn thân có thể tiêu diệt các tế bào ung thư “trôi nổi” trong cơ thể cũng như các khối u nhỏ không được tìm thấy. Vì vậy, phương pháp điều trị toàn thân có tiên lượng tốt hơn so với chỉ điều trị khu vực.
Không nên có ý nghĩ ung thư vú là một "cuộc chiến"
Các chuyên gia y tế cho rằng nếu chúng ta dùng từ "chiến đấu" hay coi ung thư là một "cuộc chiến", nó có thể gây áp lực hơn cho bệnh nhân.
Các chuyên gia cho rằng, bệnh nhân sẽ có ý nghĩ mình phải chiến đấu bằng được và họ cần phải đủ mạnh mẽ để nắm giữ số phận. Đó là một cách khiến tâm trí của họ nặng nề hơn và cảm thấy áp lực hơn.
Cách nghĩ đơn giản hơn đó là bệnh tật không phải là lỗi của chúng ta và việc "thua cuộc" không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối.
Lời khuyên cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn đó là không nên nghĩ đến cái chết dù biết rằng căn bệnh này khó có thể chữa trị.
Hãy nói về những điều khác ngoài bệnh tật của họ
Thông thường những bệnh nhân ung thư sẽ né tránh nói về bệnh tật của họ.
Khi nói đến bệnh tật của mình, họ thường cảm thấy bi quan, buồn bã và cảm thấy thật khó khăn.
Hàng ngày họ phải đối mặt với thuốc men, những biện pháp điều trị và những thông tin về bệnh tật là những thứ họ thường không muốn nghe.
Khi ai đó bị ung thư vú di căn, bạn không hãy hỏi họ liệu mình có thể giúp gì cho họ không vì điều đó sẽ làm cho người bệnh càng cảm thấy nặng nề hơn.
Các chuyên gia cho rằng khi chăm sóc bệnh nhân ung thư, bạn không nên hỏi quá nhiều, hãy tìm hiểu và làm những điều tốt nhất cho họ.
Vì vậy, nếu nói chuyện với bệnh nhân ung thư, hãy đề cập đến một vài câu chuyện khác ngoài bệnh tật, trừ khi họ mở lời trước.
Gia đình là quan trọng nhất
Đôi khi bạn không cần phải cầu kỳ để động viên nhận nhân. Bạn chỉ cần nhắn một tin đơn giản hỏi thăm hôm nay họ trông thế nào, có cảm thấy ổn hơn không.
Khi nhận được những tin nhắn như vậy, họ sẽ cảm thấy rằng mình vẫn ở đây và họ cần mình.
Những bệnh nhân ung thư vú cũng có thể tham gia một số lớp học yoga hoặc tập thiền hàng ngày để nâng cao sức khỏe.
Tập thể dục và liệu pháp dựa trên chánh niệm là những cách tiếp cận tốt để đối phó với các triệu chứng lo âu và trầm cảm liên quan đến bệnh tật.
Tập thể dục trong quá trình điều trị có thể làm giảm tác dụng phụ và tập thể dục sau điều trị có thể tăng chất lượng cuộc sống.
Yoga và đi bộ với cường độ vừa phải sẽ tập luyện sức đề kháng làm giảm lo lắng, trầm cảm và mệt mỏi ở phụ nữ mắc bệnh. Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm giúp điều chỉnh cảm xúc, giảm suy nghĩ tiêu cực và cải thiện giấc ngủ.
Duy trì cân bằng cuộc sống
Mắc bệnh ở giai đoạn này thường gây ra những thay đổi trong chức năng, mối quan hệ và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh bản thân. Bệnh nhân cần nỗ lực đưa ý niệm trở lại bình thường và ưu tiên cho cuộc sống.
Ngoài các vấn đề về thể chất và tâm lý điều trị, nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến quyết định điều trị của bệnh nhân như chăm sóc sau điều trị; các công việc và hoạt động hàng ngày; và việc theo đuổi mục tiêu cuộc sống...
(Theo the Health)
Minh TrầnBạn đang xem bài viết Bệnh ung thư vú di căn có chữa được không? Cần làm gì khi có người nhà bị ung thư vú? tại chuyên mục Chiến thắng Ung thư của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].