Sùi mào gà là một bệnh lý lây truyền qua đường tình dục phổ biến hiện nay, bệnh cần phát hiện và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu sùi mào gà lây qua đường nào, các dấu hiệu và cách phòng bệnh qua bài viết dưới đây nhé.
Sùi mào gà là gì?
Sùi mào gà (hay mụn cóc sinh dục) là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) gây ra bởi vi rút HPV (Human Papillomavirus) biểu hiện đặc trưng với những nốt sùi mềm, nhỏ trên da và niêm mạc. Bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ, phổ biến ở độ tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt là những người có nhiều bạn tình và quan hệ tình dục không an toàn.
Bệnh sùi mào gà do vi rút HPV gây ra chúng có tuýp như: tuýp gây bệnh ở da (tuýp 1,2,3,4,..), tuýp gây bệnh ở niêm mạc sinh dục (tuýp 9,11,...) và tuýp gây loạn sản biểu bì dạng hạt cơm như tuýp 5,8. Trong đó, HPV tuýp 16 và 18 còn có khả năng gây ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, hầu họng.
Xem chi tiết: Sùi mào gà: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
1 Bệnh sùi mào gà lây qua đường nào?
Những người nhiễm virus HPV không có triệu chứng vẫn có khả năng lây cho cộng đồng nếu không có biện pháp phòng ngừa. Dưới đây là một số con đường lây nhiễm sùi mào gà thường gặp như:
Lây qua đường tình dục
Con đường lây nhiễm đầu tiên và thường được các chuyên gia cảnh báo lây nhiễm sùi mào gà là qua đường tình dục.
Việc quan hệ tình dục không an toàn, nhiều bạn tình và đa dạng hình thức như qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng,... không sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su có nguy cơ cao lây nhiễm HPV và mắc sùi mào gà.
Đặc biệt, ngay cả khi chưa biểu hiện bệnh rõ ràng nhưng người đã nhiễm HPV vẫn có thể trở thành nguồn lây cho nhiều người khác.
Từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn khó kiểm soát sự lây truyền virus trong cộng đồng, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Lây truyền từ mẹ sang con
Từ mẹ sang con thông qua nước ối, cuống rốn hoặc trong quá trình chuyển dạ sinh nở ở những người phụ nữ nhiễm HPV trong thai kỳ. Tuy nhiên trường hợp này thường không phổ biến.
Mặc dù hiếm nhưng trẻ sơ sinh được sinh ra bởi người mẹ mắc sùi mào gà có tỷ lệ mắc u nhú thanh quản cao khiến cho trẻ khàn giọng, khóc yếu trường hợp nặng có thể gây tắc nghẽn đường thở và tử vong.
Lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị sùi mào gà
Khi tiếp xúc trực tiếp với bộ phận sinh dục, các vùng da khác có mụn cóc sinh dục hoặc vết thương hở của người nhiễm bệnh.
Lây truyền qua tiếp xúc gián tiếp thông qua đồ dùng cá nhân
Tiếp xúc gián tiếp dưới hình thức dùng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, dụng cụ tình dục hoặc đồ vệ sinh cá nhân với người mắc sùi mào gà.
Vi rút HPV có khả năng chịu khô và nhiệt nên thường có thể tồn tại trên các vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, quần áo lót, bồn rửa mặt, tay nắm cửa hoặc những nơi có tiếp xúc với dịch tiết chứa HPV của người bệnh.
Điều này khiến người không mắc bệnh tiếp xúc và gián tiếp đưa vi rút vào cơ thể và dẫn đến lây nhiễm HPV.
Việc tiếp xúc miệng - miệng cũng được xem là một trong những con đường lây nhiễm của HPV giữa các cá nhân.
Mặc dù nồng độ HPV trong nước bọt thấp, nhưng virus có thể xâm nhập vào vùng niêm mạc miệng của đối phương qua những nụ hôn sâu, tăng nguy cơ lây nhiễm HPV.
Đặc biệt, nếu vùng niêm mạc miệng có vết lở miệng, trầy xước hoặc chảy máu chân răng có thể tạo điều kiện thuận lợi và tăng nguy cơ xâm nhập và tấn công của vi rút HPV.
Sùi mào gà lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau
2 Ai có nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà?
Sùi mào gà (hay bệnh mụn cóc sinh dục) gây ảnh hưởng đến mọi giới tính và độ tuổi. Tuy nhiên, có một số đối tượng sẽ có nguy cơ cao dễ mắc bệnh như:
- Người có nhiều bạn tình, đời sống tình dục không lành mạnh. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HPV rơi vào khoảng 8 - 11% tùy vùng miền. Điều này khiến mỗi lần quan hệ tình dục với bạn tình mới, nguy cơ nhiễm HPV, thậm chí nhiều tuýp khác nhau sẽ tăng cao.
- Không sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su trong quá trình quan hệ tình dục, đặc biệt là khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc hậu môn. Ngoài ra, sử dụng bao cao su sai thời điểm hoặc không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu như người lớn tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, ung thư, các bệnh xã hội (HIV/AIDS, lậu, giang mai), sử dụng chất kích thích.
- Trẻ vị thành niên hoặc thanh thiếu niên, ở cả nam và nữ vì nhu cầu khám phá, thể hiện bản thân, cởi mở trong hoạt động tình dục sớm. Do đó, gia đình và nhà thường nên quan tâm, giáo dục giới tính nhiều hơn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh sùi mào gà.
Người không sử dụng các biện pháp bảo vệ trong quá trình quan hệ tình dục có nhiều nguy cơ mắc sùi mào gà
3 Cách phòng ngừa bệnh sùi mào gà?
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sùi mào gà. Hầu hết, các biện pháp điều trị đều chỉ nhằm mục đích cải thiện các triệu chứng, kiểm soát bệnh và hạn chế nguy cơ biến chứng. Do đó, để phòng ngừa bệnh sùi mào gà, bạn nên:
Tiêm vắc xin
Tiêm vắc xin HPV phòng ngừa nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà định kỳ cho bé gái và bé trai ở độ tuổi 11 và 12, tốt nhất là trước khi quan hệ tình dục.
Tại Việt Nam hiện đang lưu hành 2 loại vắc xin ngăn ngừa HPV là vắc xin Gardasil cho trẻ em gái và phụ nữ từ 9 - 26 tuổi và vắc xin thế hệ mới Gardasil 9 cho mọi người từ 9 - 45 tuổi với hiệu quả bảo vệ đến trên 90%.
Số mũi tiêm HPV thường phụ thuộc vào loại và độ tuổi tiêm vaccine. Do đó, bạn nên tuân thủ lịch tiêm vaccine để giúp hiệu quả phòng ngừa HPV được phát huy tối ưu nhất.
Xem chi tiết: Vắc xin HPV có mấy loại? Những ai nên tiêm và giá tiêm HPV hiện nay
Duy trì đời sống tình dục lành mạnh
Duy trì đời sống tình dục lành mạnh, chung thủy và sử dụng bao cao su để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm HPV gây sùi mào gà.
Đồng thời, để phát huy hiệu quả công dụng của bao cao su, các cặp đôi lưu ý không nên sử dụng đồng thời cho cả nam và nữ vì bao có thể cùng rách trong lúc giao hợp do lực ma sát mạnh.
Từ đó khiến dịch tiết hai bên tiếp xúc với nhau và lây truyền các tác nhân gây bệnh. Hơn nữa, trước và sau khi đeo bao cao su, người sử dụng cần kiểm tra tính toàn vẹn nhằm đảm bảo bao cao su không bị rách và an toàn cho cả hai.
Không quan hệ tình dục trong khi đang điều trị bệnh sùi mào gà.
Kiểm tra sức khoẻ định kỳ
Kiểm tra sức khỏe, khám nam khoa/phụ khoa định kỳ. Việc khám sức khỏe định kỳ đều đặn giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh sùi mào gà cũng như các bệnh lý nguy hiểm khác.
Từ đó đưa ra hướng giải quyết, chăm sóc và điều trị triệt để các bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu có, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Khồng dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác
Không dùng chung đồ cá nhân như quần áo, khăn tắm, đồ lót, bàn chải đánh răng với người khác, đặc biệt là những cá nhân nghi ngờ hoặc đang mắc bệnh sùi mào gà.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Xây dựng chế độ dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, chống lại các loại virus, vi khuẩn gây bệnh khác.
Bổ sung nhiều chất đạm, chất xơ, vitamin C, nhóm B, các chất chống oxy hóa và khoáng chất từ nhiều nguồn thực phẩm.
Lựa chọn thực phẩm tươi, nguồn gốc rõ ràng và tránh các loại thức ăn nhanh, chế biến sẵn. Hạn chế tối đa các chất kích thích, các loại đồ uống có cồn như rượu, bia, thuốc lá.
Tiêm vắc xin HPV là một biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà
4 Dấu hiệu mắc bệnh sùi mào gà
Sùi mào gà có biểu hiện điển hình bằng các nốt sùi mềm (hình dạng giống mào gà hoặc bông súp lơ) mọc ở các vùng da cơ quan sinh dục, miệng, lưỡi,..., chúng có thể xuất hiện dưới dạng một cụm hoặc chỉ một mụn cóc đơn lẻ. Tùy thuộc vào thời gian mắc, sức đề kháng, khu vực tổn thương mà các dấu hiệu bệnh sùi mào gà cũng sẽ khác nhau.
Ở giai đoạn đầu, những nốt mụn này rất nhỏ màu hồng nhạt hoặc màu da, khó nhìn thấy bằng mắt thường. Càng về sau các nốt mụn sùi tăng lên về kích thước, số lượng, xuất hiện tại nhiều vị trí, tạo thành hình dạng giống như súp lơ hoặc mào gà.
Ngoài bộ phận sinh dục, nốt sùi cũng có thể xuất hiện ở các khu vực khác như môi, miệng, lưỡi hoặc họng. Ở mỗi giới tính, biểu hiện của bệnh sùi mào gà cũng có sự khác nhau:
- Ở nam giới, sùi mào gà có thể xuất hiện ở những khu vực dương vật, bìu, háng, đùi, bên trong hoặc xung quanh hậu môn.
- Nếu lan rộng, tình trạng mụn có thể gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc thậm chí đau đớn, chảy máu khi quan hệ.
- Ở nữ giới, sùi mào gà có thể xuất hiện ở những khu vực bên trong/bên ngoài âm đạo hoặc hậu môn, trên cổ tử cung.
- Chúng có thể gây ra các triệu chứng như tăng tiết dịch âm đạo, ngứa, cảm giác nóng rát, chảy máu khi giao hợp.
Sùi mào gà thường biểu hiện bằng những nốt sùi mềm tại bộ phận sinh dục và một vài vùng khác trên cơ thể
Xem thêm
- Sùi mào gà ở lưỡi: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị
- Sùi mào gà ở nữ: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị
- Các phương pháp chữa bệnh sùi mào gà hiệu quả và hạn chế tái phát
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin về phương thức lây nhiễm của bệnh sùi mào gà, dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Hãy chia sẻ bài viết này đến mọi người nếu bạn thấy hữu ích nhé!
Bạn đang xem bài viết Bệnh sùi mào gà lây qua đường nào? Dấu hiệu và cách phòng ngừa tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].