Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh cúm A tăng bất thường, làm thế nào để phân biệt cúm A với COVID-19?

Tại các tỉnh phía Bắc, số lượng người mắc cúm A đang tăng bất thường, trong khi dịch bệnh COVID-19 cũng đang tăng với sự xuất hiện biến thể phụ. Làm thế nào để phân biệt cúm với COVID-19?

Vì sao cúm A ngày càng tăng?

Những ngày gần đây, tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội như BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Nhi Trung ương, BV Thanh Nhàn, BV Đống Đa… lượng bệnh nhân tới khám và điều trị cúm A đều tăng cao.

Riên tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tiếp nhận 30-40 trường hợp nhiễm cúm A đến khám. Các trường hợp phải nhập viện chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lí nền, phụ nữ mang thai.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi Trung ương có những ngày đã điều trị tới hơn 40 trẻ mắc cúm A.

Còn tại BV Thanh Nhàn gần đây cũng đang điều trị nhiều bệnh nhân mắc cúm A với tình trạng khá nặng, sốt cao, tổn thương phổi.

  Cả bệnh cúm và COVID-19 đều có triệu chứng sốt, mệt mỏi, chảy nước mũi... Ảnh minh họa

Cả bệnh cúm và COVID-19 đều có triệu chứng sốt, mệt mỏi, chảy nước mũi... Ảnh minh họa

ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn khá bất ngờ vì năm nay bệnh cúm bùng phát trái mùa. Bởi, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa).

Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9…, lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Hiện các ca mắc cúm A đang gia tăng, trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 cũng tăng trở lại với hàng nghìn ca/ngày, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều biến thể phụ nên khiến nhiều người không biết là mình bị cúm A hay COVID-19.

Cúm A và COVID-19 khác nhau thế nào?

Theo các chuyên gia y tế, cả COVID-19 và bệnh cúm A đều có thể biểu hiện các mức độ triệu chứng khác nhau, từ không triệu chứng đến các triệu chứng nghiêm trọng.

Các triệu chứng phổ biến mà COVID-19 và bệnh cúm đều có gồm: sốt hoặc cảm thấy nóng/ớn lạnh, ho, khó thở, mệt mỏi, viêm họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau cơ hoặc đau nhức cơ thể, đau đầu, nôn mửa và tiêu chảy, thay đổi hoặc mất vị giác/khứu giác (phổ biến hơn ở COVID-19). 

Nhưng triệu chứng của bệnh cúm có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng và đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Cảm cúm thường xuất hiện đột ngột và người bệnh thường có 1 hoặc tất cả các triệu chứng: sốt hoặc cảm thấy sốt, ớn lạnh; ho; đau họng; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; đau cơ toàn bộ cơ thể; đau đầu; mệt mỏi... Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy (phổ biến ở trẻ em hơn người lớn). Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai bị cúm cũng sẽ bị sốt.

Vì một số triệu chứng của bệnh cúm, COVID-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là tương tự nhau, nên không thể phân biệt cúm thường và COVID nếu chỉ dựa trên các triệu chứng.

Do đó, chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh. Thậm chí một người có thể bị nhiễm cả bệnh cúm và COVID-19 cùng một lúc, do đó có các triệu chứng của cả hai.

Trong 3 triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của COVID-19 là sốt, ho khan và khó thở thì chỉ có triệu chứng khó thở là không liên quan đến cảm cúm. Do đó, nếu muốn phân biệt cúm và COVID-19 cũng cần phải xem xét đến yếu tố dịch tễ.

Ngoài ra, mất khứu giác là dấu hiệu được báo cáo sớm nhất và phổ biến liên quan đến SARS-CoV-2, đồng thời là dấu hiệu để phát hiện người mắc COVID-19 hiệu quả hơn so với các triệu chứng như sốt và ho.

Cách phòng tránh bệnh cúm A

Cả 2 bệnh cúm A và COVID-19 đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không theo dõi và điều trị đúng cách. Do đó, để giảm nguy cơ mắc cúm A và COVID-19, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như:

  • Tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người đang nghi ngờ mắc cúm A và COVID-19.
  • Đeo khẩu trang ở các không gian công cộng, nơi có nguy cơ lây truyền COVID-19 và bệnh cúm mùa cao, chẳng hạn như tại một sự kiện đông người hoặc tụ tập đông người;
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn có chứa ít nhất 60% cồn;
  • Tránh không gian đông đúc;
  • Che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi;
  • Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng;
  • Làm sạch và khử trùng các bề mặt dễ tiếp xúc, chẳng hạn như tay nắm cửa, công tắc đèn, thiết bị điện tử và quầy, hàng ngày;
  • Tiêm vắc-xin phòng cúm A và COVID-19 theo đúng lịch
An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO