Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh cúm A bùng phát trái mùa: Sốt cao, mệt mỏi, đau mỏi người... cần đi khám ngay

BV Thanh Nhàn đang điều trị cho gần chục bệnh nhân mắc cúm A với tình trạng khá nặng, sốt cao, tổn thương phổi. Bác sĩ cũng khá bất ngờ vì bệnh bùng phát trái mùa, bởi thông thường cúm A xuất hiện vào mùa đông xuân.

Sốt cao, tổn thương phổi vì cúm A

Nằm điều trị tại khu vực điều trị bệnh nhân truyền nhiễm, BV Thanh Nhàn, bà N.T.T. (ở Hoàng Mai, Hà Nội) đã cắt sốt sau 4 ngày nhập viện điều trị. Tuy nhiên bà vẫn rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình.

Bởi trước đó bà chỉ có có triệu chứng sốt, người hơi mệt nhưng chỉ vài tiếng sau thì triệu chứng nặng lên rất nhanh.

“Đầu của tôi rất đau, cả người đau buốt, chân tay không làm chủ được nên người nhà phải đưa tôi vào viện cấp cứu. Khi vào viện tôi được thăm khám, làm các xét nghiệm và phát hiện bị mắc cúm A, với các triệu chứng chủ yếu là sốt cao, ho, đau người… nên phải nhập viện điều trị” – bà T. chia sẻ.

  Sốt cao, đau người, mệt mỏi, bà T. vào viện phát hiện bị cúm A

Sốt cao, đau người, mệt mỏi, bà T. vào viện phát hiện bị cúm A

Cùng nằm viện điều trị cúm A, chị N.B.H. (ở Hoàng Mai, Hà Nội) đã cắt sốt nhưng vẫn còn mệt mỏi, khó chịu sau 2 ngày nhập viện vì sốt cao không hạ.

“Lúc ở nhà tôi sốt gần 40 độ C, người mệt mỏi, uống thuốc hạ sốt mà không giảm. Cứ nghĩ bị tái nhiễm COVID-19 nhưng khi tôi test lại không lên. Sốt cao khiến tôi mệt mỏi nhiều, đau đầu, đau nhức khắp người. Người nhà đưa tôi vào viện thăm khám thì phát hiện mắc cúm A. Từ trước tới giờ tôi cứ nghĩ cúm là bệnh thông thường nhưng không ngờ tôi lại có triệu chứng nặng như vậy, triệu chứng còn nặng hơn khi tôi mắc COVID-19” – chị H. chia sẻ.

Bệnh nhân H. cũng cho biết thêm, trước khi vào viện vài ngày chị có đi chơi cùng bạn, sau đó trong đoàn đi chơi có 4 người bị sốt, đi viện khám và đều bị cúm A.

Theo ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn, đặc điểm chung của các bệnh nhân mắc cúm A đang điều trị tại bệnh viện là được đưa đến viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, đau mỏi người. Kết quả thăm khám đều phát hiện có tổn thương phổi nên phải nhập viện. Sau khi được điều trị đúng phác đồ sức khỏe của các bệnh nhân đều đã ổn định, nếu không có bội nhiễm bệnh nhân có thể xuất viện sau 5 – 7 ngày điều trị.

Thời tiết thất thường khiến cúm A bùng phát trái mùa?!

Bác sĩ Hường cũng cho biết, thông thường thì thời điểm này hàng năm, tại Hà Nội dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ xuất hiện trước sau đó mới đến cúm A. Tuy nhiên, năm nay đang ghi nhận sự đảo ngược khi số mắc sốt xuất huyết còn ít nhưng bệnh nhân cúm A lại bất ngờ tăng mạnh.

Nói về việc bệnh cúm A xuất hiện trái mùa trong mùa hè, bác sĩ Hường chia sẻ: “Hiện nay thời tiết biến đổi thất thường, thêm vào đó có những nguyên nhân chưa lý giải hết được dẫn tới số ca mắc cúm tăng lên bất thường so với cùng thời điểm hàng năm, nhưng về tổng quan chưa đủ bằng chứng để đưa ra kết luận.

Có những ngày, chúng tôi tiếp nhận khoảng hơn 10 bệnh nhân mắc cúm A vào viện, trong khi trước đó chỉ ghi nhận lác đác một vài ca. Đáng lưu ý là có những trường hợp bệnh nhân đã diễn biến sang suy hô hấp vì cúm.

  Các bệnh nhân mắc cúm A phải nhập viện điều trị do có triệu chứng sốt cao không hạ, tổn thương phổi

Các bệnh nhân mắc cúm A phải nhập viện điều trị do có triệu chứng sốt cao không hạ, tổn thương phổi

Vì vậy, trong thời điểm này, dịch chồng dịch, đối với những người có tình trạng suy giảm hệ miễn dịch, những người mắc các bệnh lý nền cần có sự chuẩn bị tốt về sức khỏe”.

Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9… Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, người bệnh đều có thể có sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng…

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày; nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.

Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt cao không hạ, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO