1. Bệnh chân tay miệng là gì?
Bệnh chân tay miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh nếu không được ngăn chặn kịp thời có thể bùng phát thành dịch lớn.
Chân tay miệng - bệnh trẻ dễ mắc vào mùa hè, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh.
Theo các bác sĩ, bệnh chân tay miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên mùa hè là thời điểm thuận lợi để các loại virus gây hại xâm nhập và phát triển thành bệnh.
Trẻ nhỏ mắc chân tay miệng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.
2. Triệu chứng của bệnh chân tay miệng thế nào?
Một số biểu hiện, triệu chứng của bệnh chân tay miệng các mẹ cần lưu tâm:
- Miệng loét: Trẻ nhỏ mắc chân tay miệng sẽ xuất hiện các vết loét đỏ, phỏng nước có đường kính từ 2 - 3mm ở phần lợi, niêm mạc miệng và lưỡi.
- Xuất hiện phát ban dạng phỏng nước ở khu vực lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông...
- Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao)
- Trẻ có thể bị nôn, trớ
- Một số bé có triệu chứng lơ mơ, li bì nếu bệnh chuyển nặng
3. Bệnh chân tay miệng lây truyền qua đâu?
Theo các chuyên gia, trẻ mắc bệnh chân tay miệng có thể lây truyền qua các con đường như:
- Do ăn, uống phải nguồn nước có nhiễm virus chân tay miệng
- Lây bệnh qua bàn tay của trẻ bị bệnh hoặc người chăm sóc trẻ có nhiễm virus
- Virus tồn tại ở đồ chơi, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày và lây sang cơ thể của con. Việc cho con chơi chung đồ chơi sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
4. Cách phòng chống và điều trị bệnh chân tay miệng hiệu quả
Khi con mắc chân tay miệng, phụ huynh cần chú ý một số vấn đề sau:
- Sử dụng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad…
- Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…
- Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt… Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không nên cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi …
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
5. Hướng dẫn quy trình rửa tay bằng xà phòng giúp phòng ngừa bệnh chân tay miệng hiệu quả
- Bước 1:
Làm ướt bàn tay bằng nước sạch rồi thoa xà phòng vào lòng bàn tay, chà xát hai lòng bàn tay.
- Bước 2:
Sử dụng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia. Thực hiện ngược lại.
- Bước 3:
Tiếp tục sử dụng lòng bàn tay này chà xát lên mu bàn tay kia và ngược lại
- Bước 4:
Dùng đầu ngón tay này miết vào kẽ giữa của các ngón bàn tay kia. Thực hiện ngược lại để loại bỏ hoàn toàn các vi khuẩn.
- Bước 5:
Chụm đầu ngón tay của bàn tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
- Bước 6:
Xả sạch tay dưới nước sạch nhiều lần rồi lau khô bằng khăn sạch.
(Nguồn: http://vncdc.gov.vn)
Phương AnhBạn đang xem bài viết Bệnh chân tay miệng là gì, triệu chứng thế nào, cách phòng ngừa bệnh ra sao? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].