Bác sĩ Trần Thế Viện, Giảng viên bộ môn Da liễu, Đại học Y dược TP. HCM cho biết, bệnh nhi N.T.N.Đ (13 tuổi, ở Bến Tre) nhập viện trong tình trạng da nổi mẩn màu hồng, có vảy kèm theo triệu chứng đau rát, có nhiều chấm đỏ ở vùng trung tâm.
Bệnh diễn tiến kèm theo sốt cao, đau khớp, đau bụng, ho khan và gan trướng. Các vết trên da của bé thành mụn nước, mụn mủ, hoại tử và loét màu nâu đen, phân bố đối xứng nhiều vùng trên cơ thể. Bé được đưa đi khám nhiều viện, nhưng không tìm ra bệnh.
Sau đó, bệnh nhi được chuyển qua BV Nhi đồng 1 để theo dõi và điều trị. Bệnh viện đã mời chuyên gia Da liễu qua hội chẩn thêm để tìm ra nguyên nhân.
Bác sĩ Trần Thế Viện kiểm tra và khám chẩn đoán bé mắc bệnh Mucha-Habermann kèm loét hoại tử và sốt cao. Bé được đưa về Bệnh viện Da liễu TP.HCM để điều trị. Qua 2 tháng điều trị bằng Methotrexate, hiện bé đã khỏi bệnh.
Ca bệnh hiếm gặp này đã được báo cáo tại Hội thảo Khoa học da liễu khu vực phía Nam, tổ chức tại TP.HCM.
Bác sĩ Hoàng Văn Minh, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về bệnh ngoài da, cho biết bệnh Mucha-Habermann có đặc điểm lâm sàng là những tổn thương loét hoại tử kèm theo sốt và biểu hiện hệ thống.
Trường hợp mắc bệnh lần đầu tiên trên thế giới được phát hiện vào năm 1966. Bệnh diễn tiến nhanh và có thể gây tử vong. Theo y văn thế giới mới ghi nhận được 72 ca tương tự. Riêng trẻ em có 38 ca, 34 ca người lớn.
Bác sĩ Minh chia sẻ thêm, bệnh Mucha-Habermann có liên quan đến sự tăng sinh lành tính của tế bào lympho T hoặc phản ứng tăng nhạy cảm với một nhiễm trùng. Hiện cơ chế chính xác của bệnh chưa xác định rõ.
Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân có những triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, loét da phân bố đối xứng, tìm mãi không ra bệnh nên cần đến thăm khám ở các chuyên khoa da liễu để sớm phát hiện và điều trị.
An NhiênBạn đang xem bài viết Bé gái ở Bến Tre mắc bệnh hiếm cả thế giới chỉ có 38 trẻ mắc tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].