Băng huyết sau sinh nguy hiểm thế nào, làm sao để phòng ngừa băng huyết sau sinh?

Băng huyết sau sinh là tai biến sản khoa nghiêm trọng, có thể đe dọa tới tính mạng của sản phụ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Băng huyết sau sinh là gì?

Băng huyết sau sinh là hiện tượng sản phụ sau khi sinh bị chảy nhiều đột ngột hay từ từ trong vòng 24 giờ sau sinh, số lương máu mất hơn 500ml sau sinh ngả âm đạo và hơn 1000ml khi mổ lấy thai.

Hiện tượng băng huyết sau sinh có triệu chứng ảnh hưởng đến sinh lý của thai phụ như da niêm xanh, chóng mặt, ngất, hay triệu chứng giảm thể tích máu, huyết áp tụt, mạch nhanh, thiểu niệu, tùy thuộc vào cân nặng và thể trạng thai phụ.

Theo các chuyên gia y tế, băng huyết sau sinh là một cấp cứu sản khoa và hiện nay vẫn còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở sản phụ, chiếm 25% trên thế giới. Tại Việt Nam, tỉ lệ bị băng huyết khi sinh chiếm 3-8% tính chung các tuyến.

  Mang thai to, đa thai cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh. Ảnh minh họa

Mang thai to, đa thai cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh. Ảnh minh họa

Băng huyết sau sinh có nguyên nhân từ đâu?

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Chường, BV Phụ sản Hà Nội, băng huyết sau sinh có nhiều nguyên nhân như đờ tử cung, còn sót rau, chấn thương đường sinh dục (chấn thương tử cung, cổ tử cung, âm đạo), rối loạn đông máu…

Trong đó, đờ tử cung là nguyên nhân hàng đầu gây băng huyết sau sinh. Các yếu tố nguy cơ gây đờ tử cung phải kể đến như: Tử cung căng quá mức do đa ối, đa thai, thai to…; chuyển dạ kéo dài, quá nhanh, đa sản; nhiễm trùng ối; giục sinh lâu; các bất thường như u xơ tử cung, rau cài răng lược…; lộn tử cung…

Bên cạnh đó, rối loạn đông máu cũng là một trong những nguyên nhân chính gây băng huyết sau sinh. Tình trạng rối loạn đông máu cũng có thể do bệnh sẵn có như mắc bệnh lý máu khó đông Hemophilia, điều trị thuốc kháng đông, xuất huyết giảm tiểu cầu… hoặc rối loạn do bị chảy máu quá nhiều.

Do băng huyết sau sinh có nhiều nguyên nhân nên chỉ khi xác định chính xác căn nguyên mới có thể điều trị triệt để.

Bác sĩ Chường cho biết thêm: “Băng huyết sau sinh có thể ồ ạt hoặc từ từ, do đó nhân viên y tế phải theo dõi rất sát sản phụ sau sinh. Chính vì vậy mà tại các cơ sở y tế, trong vòng 6 tiếng đầu sau sinh sản phụ được giữ lại để nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe, trong đó có theo dõi huyết áp, mạch, da… Nếu có dấu hiệu bất thường, sản phụ sẽ được nhân viên y tế can thiệp xử trí kịp thời”.

Các trường hợp băng huyết sau sinh nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rơi vào suy hô hấp, suy tim, ngừng tim, thiếu oxy các phủ tạng như thận, não, gan… gây suy đa phủ tạng. Trong đó nghiêm trọng nhất là thiếu oxy đến não gây chết não, thiếu oxy đến tim gây suy tim.

  Mẹ bầu cần tuân thủ khám thai định kỳ để phát hiện sớm những bất thường và nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con. Ảnh minh họa

Mẹ bầu cần tuân thủ khám thai định kỳ để phát hiện sớm những bất thường và nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con. Ảnh minh họa

Phòng băng huyết sau sinh thế nào?

Chính vì sản phụ có thể gặp phải những tai biến sản khoa nguy hiểm như băng huyết sau sinh nên thông thường, để đảm bảo mẹ bầu vượt cạn an toàn, các cơ sở y tế đều cẩn trọng khám sức khoẻ cho thai phụ, sàng lọc các bệnh nền nếu có, sàng lọc các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra lúc sinh, kiểm tra sức khoẻ tim, phổi thận…, xét nghiệm máu để phát hiện bất thường.

Với những trường hợp khi siêu âm khám sàng lọc thai nhi nếu thấy có các yếu tố nguy cơ cần được khám và làm các xét nghiệm thăm dò kĩ để loại trừ bệnh lý. Cùng với đó, khi mẹ bầu chuyển dạ, nhân viên y tế sẽ theo dõi sát thai phụ, xử trí nhanh và tích cực trong chuyển dạ góp phần giảm thiểu tai biến.

Để phòng ngừa băng huyết sau sinh, các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần dự phòng những ca có nguy cơ băng huyết sau sinh, xử trí tích cực giai đoạn chuyển dạ, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện thủ thuật đúng chỉ định và điều kiện, tránh chuyển dạ kéo dài, nhiễm trùng ối.

Băng huyết sau sinh là tai biến thường gặp, 80% do đờ tử cung. Việc chẩn đoán sớm, xử trí kịp thời sẽ giúp tránh tai biến và tử vong. Xử trí băng huyết sau sinh tùy thuộc lượng máu mất, tình trạng của thai phụ và nguyên nhân gây băng huyết.

Ngoài băng huyết, khi chuyển dạ mẹ bầu cũng dễ một số tai biến sản khoa nguy hiểm khác như tắc mạch như tắc mạch phổi, tắc mạch não… Vì vậy, phụ nữ trong thời kỳ sinh sản cần chú ý những thông tin sau để hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa như:

- Tuân thủ khám thai định kỳ theo đúng khuyến cáo để phát hiện sớm những nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và con, từ đó có hướng can thiệp tốt nhất.

- Quá trình mang thai nên bổ sung sắt đầy đủ.

- Khi lên cơn chuyển dạ, tránh chuyển dạ kéo dài, theo dõi quan sát chuyển dạ trên monitorning, cơn gò tử cung, tim thai và xoá mở cổ tử cung.

- Phòng ngừa nhiễm trùng ối bằng cách uống thuốc, thăm khám sức khoẻ thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.

- Sản phụ cần xét nghiệm rối loạn đông máu toàn bộ. Nếu cần thiết, có thể khám chuyên khoa về nội huyết học.

- Không thực hiện các thủ thuật giúp sinh nếu không có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

- Báo ngay cho bác sĩ nếu thấy xuất hiện những biểu hiện bất thường trong quá trình mang thai.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính