Chia sẻ với PV Gia Đình Mới, ông Nguyễn Văn Hùng, Phòng Chống Tệ nạn xã hội phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội cho biết thông thường, theo kinh nghiệm bắt quả tang các khu ổ chứa, mại dâm, những người bán dâm chỉ nhận mình phạm tội lần đầu. Ngoài ra, việc định danh với người bán dâm vẫn còn nhiều khó khăn, để xác định được số lần bán dâm buộc phải có tang chứng, vật chứng.
Trong khi đó, nếu người phạm tội không thực hiện hành vi trên một địa bàn sẽ rất khó xác định, xác minh được số lần vi phạm.
Bên cạnh, khi cơ quan chức năng phá một ổ mại dâm, danh tính người vi phạm sẽ được gửi về nơi đăng ký tạm trú hoặc địa phương chứ không gửi về trường học.
"Ngoài ra, theo Pháp lệnh phòng chống mại dâm, những người vi phạm trên 3 lần sẽ bị bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Người bán dâm là người nước ngoài thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất.
Chính vì thế, nó trở thành rào cản cho các trường học sư phạm tiến hành xử phạt sinh viên vi phạm của mình theo quy định trong Dự thảo mới đây", anh Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo phân tích của luật sư về khía cạnh pháp lý, mua - bán dâm chỉ là hành vi phạm hành chính, chưa đến mức phải xử lý hình sự, công khai danh tính.
Như vậy, Bộ GD&ĐT hoặc nhà trường căn cứ vào đâu để biết rằng sinh viên đó đã hoạt động mại dâm bao nhiêu lần để rồi định ra các hình thức kỷ luật tương ứng từ khiển trách (1 lần), cảnh cáo (2 lần), đình chỉ có thời hạn (3 lần) và buộc thôi học (4 lần)?
Đối với hành vi mua dâm, điều 22, Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003 quy định về Xử lý đối với người mua dâm như sau:
"1. Người mua dâm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền.
2. Người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Như vậy, người mua dâm sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính trừ trường hợp bị nhiễm HIV mà cố tình lây nhiễm cho người khác.
Việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại Điều 22 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về Hành vi mua dâm
"1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm".
Như vậy tuỳ vào tính chất của hành vi này mà mức phạt tiền khác nhau.
Còn đối với hành vi bán dâm, theo Điều 23 Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003 quy định về Xử lý đối với người bán dâm, cụ thể:
"1. Người bán dâm, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Người bán dâm là người nước ngoài thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất.
2. Người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Tương tự với hành vi mua dâm, người bán dâm sẽ bị xử phạt hành chính, áp dụng các hình thức giáo dưỡng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp người bán dâm bị nhiễm HIV và có hành vi cố tình lây nhiễm cho người khác.
Người bán dâm bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc.
3. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Bán dâm 4 lần bị đuổi học: Làm sao biết sinh viên có mua bán dâm và số lần để phạt? tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].