Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ nội tiết tiết lộ: Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh tiểu đường type 2 thường bị bỏ qua

Bệnh tiểu đường type 2 là một trong những bệnh cực kỳ phổ biến. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hơn 37 triệu người Mỹ mắc bệnh tiểu đường và 90 - 95% trong số đó là tiểu đường type 2.

Hiện tại bệnh tiểu đường type 2 chưa có cách chữa khỏi mà chỉ có thể kiểm soát, vì vậy việc phát hiện sớm để điều trị thích hợp và ngăn bệnh trở nặng là rất quan trọng.

Thật không may, bệnh tiểu đường type 2 không phải lúc nào cũng có các dấu hiệu rõ ràng, do đó việc đi khám bác sĩ để xét nghiệm đường huyết thường xuyên có thể là chìa khóa cho việc phòng ngừa bệnh tiểu đường.

Dưới đây là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường type 2 thường bị bỏ qua nhất và các dấu hiệu khác cần lưu ý.

1. Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh tiểu đường type 2 thường bị bỏ qua

tieu duong

Theo Tiến sĩ Vinita Tandon - Bác sĩ nội tiết kiêm Giám đốc Y tế Lifeforce - dấu hiệu đó chính là mệt mỏi.

Mệt mỏi có thể do một số bệnh hoặc vài đêm ngủ không ngon giấc gây ra, nên nó thường không được coi là dấu hiệu cảnh báo của bệnh tiểu đường.

"Khi lượng đường trong máu tăng cao do tiền tiểu đường hoặc tiểu đường, điều đó có nghĩa là glucose không được các tế bào sử dụng và dẫn đến tình trạng mệt mỏi. Thay vì các cơ và tế bào não nhận được năng lượng từ glucose thì glucose vẫn ở trong máu nhưng không được sử dụng", TS Tandon cho biết.

2. Các dấu hiệu cảnh báo khác của bệnh tiểu đường type 2

Tuy nhiên, mệt mỏi không phải là dấu hiệu cảnh báo duy nhất của bệnh tiểu đường type 2.

Theo Tiến sĩ Tandon, vết thương lành chậm và nhiễm trùng tái phát cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.

"Đường huyết tăng cao kéo dài sẽ làm tổn thương tính toàn vẹn của mạch máu, tuần hoàn và sức khỏe mô. Điều này có thể dẫn đến tình trạng vết thương lâu lành, kể cả những vết cắt và trầy xước nhỏ."

Còn nhiễm trùng tái phát xảy ra vì hệ thống miễn dịch bị suy yếu do đường huyết cao và ít có khả năng chống lại nhiễm trùng. "Điều này khiến những người tiền tiểu đường dễ bị nhiễm trùng tái, kể cả nhiễm trùng do virus và vi khuẩn."

Một điều khác cần lưu ý là tình trạng da dưới cánh tay hoặc sau gáy bị sạm đen. "Đây là dấu hiệu của tình trạng kháng insulin, thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường type 2" - Tiến sĩ Tandon nói.

Bệnh tiểu đường type 2 cũng có thể gây ra các triệu chứng như giảm cân không rõ nguyên nhân, tê hoặc ngứa ran ở tay và chân do lưu thông kém và tổn thương thần kinh ngoại biên, tiểu tiện nhiều lần và khát nước quá mức.

Tiến sĩ Tandon giải thích: "Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin và glucose tích tụ trong máu, một phản ứng sinh lý để loại bỏ lượng đường dư thừa sẽ được kích hoạt, dẫn đến đi tiểu thường xuyên hơn. Rối loạn hormone ở bệnh nhân tiền tiểu đường dẫn đến tín hiệu đói kéo dài".

3. Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2

Lý tưởng nhất là chúng ta phải ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2 trước khi nó bắt đầu. Do đó, đi khám bác sĩ để xét nghiệm thường xuyên là rất quan trọng, nhất là với người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường hoặc đã bị tiền tiểu đường.

"Xét nghiệm đường huyết như HbA1c (hemoglobin A1C) thường xuyên có thể cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng cơ thể, từ đó thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo nhu cầu riêng của từng người" - Tiến sĩ Tandon cho biết.

Một số loại dược phẩm và thực phẩm bổ sung giúp cải thiện độ nhạy insulin như metformin hoặc các chất dinh dưỡng có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy việc bổ sung dầu cá có thể giúp cải thiện kháng insulin.

Ngoài ra, điều chỉnh lối sống cũng có thể giúp ích. Tiến sĩ Tandon khuyên bạn nên tuân thủ chế độ ăn ít carb, nhiều chất béo và protein lành mạnh, tránh thực phẩm chế biến sẵn, duy trì cân nặng khỏe mạnh và vận động thường xuyên để ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2.

(Theo Parade)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO