Trong đoạn clip có nói là tế bào ung thư lấy ra từ một bệnh viện Mỹ, được bác sĩ ở Mỹ thử nghiệm với tỏi và vàng.
Khối u được đặt lên một chiếc đĩa, khi tiếp xúc và ở gần tỏi khối u co rúm lại và lùi ra xa, nhưng khi đặt chiếc nhẫn vàng gần khối u thì nó nhanh chóng tiếp cận và ‘hút lấy’ chiếc nhẫn vàng.
Và từ kết quả thử nghiệm trong đoạn clip này, người ta đã kết luận và đưa ra khuyến cáo rằng vàng có khả năng thu hút khối u và thậm chí có khả năng gây ung thư hoặc kích thích khối u phát triển.
Trước nguồn thông tin có phần thất thiệt này, nhiều bác sĩ đã bày tỏ ý kiến trên Facebook cá nhân của mình để mọi người hiểu đúng và biết cách chọn lựa nguồn thông tin chính xác.
Bác sĩ Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: ‘Đây hoàn toàn là thông tin giả, hay còn gọi là fake news, nhằm mục đích câu view và gây hoang mang trong dư luận, vì một số lý do:
1. Khối u ngay khi được phẫu tích ra khỏi cơ thể thì không bao giờ có màu đen xì, hình thù giống cục phân như đoạn video đã đăng tải.
2. Khi bị phẫu tích khỏi cơ thể, khối u bị cắt đứt nguồn nuôi dưỡng, do vậy các tế bào khối u sẽ sớm bị hủy hoại chứ không thể sống như một số status đăng tải đoạn video mô tả.
3. Ngoài ra, với bất cứ người bác sĩ nào, khi phẫu tích khối u ra khỏi cơ thể thì họ sẽ đặt nó ngay vào dung dịch formalin để cố định, bảo quản và gửi đi xét nghiệm giải phẫu bệnh... chứ không bao giờ đưa nó cho bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.
4. Điều quan trọng nhất các bạn cần biết là một số loại thuốc chống ung thư như Cisplatin, Carboplatin và Oxaliplatin có thành phần chính là bạch kim. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy vàng (Gold (III)/Au) cũng có đặc tính chống ung thư như nhiều loại bạch kim khác. Các loại thuốc có bản chất là bạch kim, bạc và vàng được gọi là thuốc kim loại (metallodrugs)’.
Còn bác sĩ Mỹ gốc Việt Trần Huỳnh (tên tiếng Anh là Huynh Wynn Tran, Giám đốc tổ chức y khoa VietMD.net) chia sẻ rằng: ‘Tế bào ung thư khi lấy ra khỏi cơ thể thì nó đã chết ngay do không còn mạch máu cung cấp.
Thật ra video này đã từng post trên youtube là ví dụ về lừa đảo. Người dùng chất lỏng hút nam châm (ferrofluid) và miếng nam châm bên dưới.
Các bạn xem bản gốc video tiếng Anh để thấy chất lỏng nam châm di chuyển thế nào…
Tôi muốn nói đến sự tàn nhẫn và ngu ngốc của hàng ngàn share/likes của video này.
Một video gian dối câu view mà được share cả chục ngàn lần như một cách giải thích vì sao tế bào ung thư sợ tỏi thì mới hiểu cuộc chiến thông tin bẩn và sai trong mảng sức khoẻ khó khăn đến chừng nào.
Hàng ngàn bệnh nhân ung thư nếu không hiểu hết, sẽ mua tỏi về uống, chẳng may bị xuất huyết não thì sao?’.
Vị bác sĩ này cũng cho biết thêm, tỏi có tính chất kháng khuẩn và kháng viêm, ăn ở mức vừa phải cũng rất tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, với những người đang uống thuốc chống đông máu cần cẩn trọng, bởi, ăn tỏi sẽ làm máu lỏng hơn và dễ gây xuất huyết.
Tác dụng của tỏi đối với sức khỏe
Trong Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, hơi có độc, vào 2 kinh can và vị. Tác dụng của tỏi được GS.TS Đỗ Tất Lợi ghi trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam gồm: thanh nhiệt giải độc, sát trùng, chữa băng đới, trùng tích, huyết lỵ.
Ngoài ra còn có tác dụng tẩy uế, thông khiếu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đờm, đầy chướng, đại tiểu tiện khó khăn, tả lỵ…
Phàm những chứng âm hư; nội nhiệt; thai sản; đậu trẩn; đau mắt, mũi, răng, cổ, lưỡi chớ dùng.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Bác sĩ lên tiếng về clip ‘khối u’ gặp tỏi thì chạy, gặp vàng thì hút tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].