Ung thư phổi nhiều thứ 2 sau ung thư gan, hơn một nửa phát hiện khi đã di căn

‘Có trên 30% bệnh nhân ung thư phổi bị di căn lên não. Đây là biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong nhanh chóng cho người bệnh’.

Đó là thông tin được ThS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ trước thực trạng ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư phổi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và đã di căn.

Có trên 30% bệnh nhân ung thư phổi bị di căn lên não

Có trên 30% bệnh nhân ung thư phổi bị di căn lên não

Cẩn trọng với triệu chứng chóng mặt, nôn ói, co giật…

Bệnh nhân Trịnh Văn An (54 tuổi, ở Bắc Kạn), phát hiện bệnh cách đây hơn 2 tháng. Lúc đầu bệnh nhân xuất hiện cơn co giật ½ người phải, đi khám bác sĩ phát hiện tổn thương não.

Sau khi tiến hành làm các xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ ở Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư phổi di căn não.

Theo lời kể của vợ bệnh nhân thì ông An thường xuyên hút thuốc lào và uống rượu. Vợ con khuyên can thế nào cũng không được, chỉ đến khi bệnh nhân xuất hiện co giật phải đi cấp cứu mới nhịn hút thuốc, uống rượu.

Ngồi ngoài hành lang chờ chồng vào khám bệnh, bà Hoa (60 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ ‘ông nhà tôi 65 tuổi và hút thuốc lá hơn 40 năm nay.

Các bác sĩ cho rằng đó có thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ung thư phổi di căn lên não của ông ấy. Bởi, từ trước đến nay gia đình tôi không ai mắc căn bệnh quái ác này.

Lúc mới phát bệnh ông ấy bị chóng mặt, nôn ói, đi bệnh viện huyện Đông Anh cấp cứu thì bác sĩ nghi bị rối loạn tiền đình.

Điều trị tiền đình cả tuần ở viện huyện mà không đỡ, thậm chí ông nhà tôi còn có biểu hiện mệt mỏi, nôn ói dữ dội hơn.

Sau đó tôi và các con quyết định đưa ông ấy ra Bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Kết quả thăm khám cho thấy ông ấy bị ung thư phổi di căn lên não và phải tiến hành mổ cấp cứu để loại bỏ khối u trong não.

Lần mổ cấp cứu đó cách đây hơn 1 năm và giờ ông nhà tôi tiếp tục bị di căn 2 u ở não. Các bác sĩ bảo rằng phải điều trị sớm 2 khối u ở não nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng’.

Hiện, với những trường hợp ung thư phổi di căn não, bác sĩ Hùng cho biết, để kiểm soát các khối u di căn não thường có thể phẫu thuật lấy bỏ u. Tuy nhiên, chỉ có thể phẫu thuật trong trường hợp u đơn độc, vị trí có thể mổ được.

Hoặc có thể áp dụng phương pháp điều trị xạ trị gia tốc, hoặc xạ phẫu bằng dao gamma quay. Và những phương pháp điều trị này chỉ an toàn, hiệu quả đối với những khối u có kích thước nhỏ hơn 3cm và với bệnh nhân bị di căn dưới 3 u.

Việc dùng mẹo dân gian, thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị ung thư phổi sẽ làm bệnh trở nên trầm trọng hơn

Việc dùng mẹo dân gian, thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị ung thư phổi sẽ làm bệnh trở nên trầm trọng hơn

Chữa ung thư bằng mẹo làm mất ‘thời điểm vàng’ điều trị bệnh

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, bệnh ung thư phổi có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở nam giới. Tại Việt Nam, ung thư phổi có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong đứng thứ 2 sau ung thư gan.

Với độ tuổi hay gặp là trên 50 tuổi và độ tuổi này đang có xu hướng trẻ hóa. Nguy hiểm hơn nữa là có trên 50% trường hợp bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và đã di căn.

Điều đáng nói là trước khi đến bệnh viện, nhiều bệnh nhân nghe theo những lời mách bảo vô căn cứ, điều trị sai cách bằng mẹo dân gian, các loại thuốc lá, thuốc bột, thuốc không rõ nguồn gốc… dẫn đến việc chậm trễ, mất đi ‘thời điểm vàng’ điều trị bệnh.

Chính điều đó làm cho khả năng điều trị tiếp rất khó khăn do giai đoạn bệnh đã muộn, cơ thể suy kiệt và chức năng các cơ quan bị suy giảm.

Hơn nữa, việc điều trị sai cách có thể dẫn đến bệnh tiến triển di căn và chuyển sang giai đoạn cuối nhanh hơn gây nên các biến chứng nặng nền có thể ảnh hưởng đến tính mạng, thậm chí tử vong.

Ngoài ra, việc bệnh nhân tự ý điều trị bệnh sai cách làm mất đi cơ hội đến viện để được chẩn đoán sớm và điều trị đúng.

Đồng thời, việc điều trị sai cách sẽ làm cơ thể suy mòn, giảm chức năng các cơ quan khác trong cơ thể, bệnh nhân tử vong nhanh hơn.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hay gặp dẫn đến ung thư phổi

Hút thuốc lá là nguyên nhân hay gặp dẫn đến ung thư phổi

Làm thế nào để phát hiện sớm và điều trị đúng?

Bệnh ung thư phổi do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, thực tế thăm khám và điều trị bệnh, bác sĩ Hùng thấy rằng hút thuốc lá là nguyên nhân hay gặp dẫn đến ung thư phổi.

Ngoài ra có thể do một vài nguyên nhân khác như: nhiễm tia xạ, hóa chất độc hại, vi khuẩn, vi rút, gen di truyền…

Các triệu chứng của ung thư phổi giai đoạn sớm thường rất nghèo nàn. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân ung thư phổi thường không quan tâm đến những triệu chứng đầu tiên của bệnh hoặc nhầm lẫn với căn bệnh đường hô hấp khác.

Các dấu hiệu đầu tiên của ung thư phổi là những cơn ho khan, ho có đờm và kéo dài vào sáng sớm. Việc uống các loại thuốc trị ho, chống viêm không có tác dụng.

Đôi khi, bệnh nhân có cơn đau tức ngực vào buổi sớm, điểm đau không rõ rệt... Nếu phát hiện bệnh trong giai đoạn này, việc điều trị thường đem lại hiệu quả cao.

Vào các giai đoạn muộn hơn, việc phát hiện bệnh chính xác hơn nhưng điều trị tốn kém và kéo dài, đôi khi, điều trị chỉ là giải pháp tinh thần với những bệnh nhân ở giai đoạn cuối.

Do đó, để phát hiện sớm được bệnh, cần có kế hoạch kiểm tra khám sàng lọc định kỳ tại các cơ sở điều trị ung bướu.

Nên đến bệnh viện khám sớm khi có các triệu chứng bất thường về hô hấp như: ho ra máu, ho dai dẳng, đau ngực, khó thở, nổi hạch, sốt kéo dài, sụt cân nhanh, đau xương…

Hiện, có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi tùy theo từng giai đoạn bệnh (đa mô thức) như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị bằng các thuốc kháng thể đơn dòng, điều trị thuốc nhắm đích (gen), điều trị miễn dịch…

Trong quá trình điều trị bệnh, người bệnh cần tuân thủ y lệnh của bác sĩ, không được tự ý thay đổi thuốc, dùng thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh. Bởi, sẽ gây ảnh hưởng đến phác đồ điều trị, giảm tác dụng của các phương pháp điều trị.

Đặc biệt, quan điểm ăn nhiều đạm, đồ bổ dưỡng sẽ nuôi dưỡng khối u là không đúng. Tốt nhất là bệnh nhân ung thư phải ăn đủ dinh dưỡng nếu không sẽ dẫn đến cơ thể nhanh chóng suy kiệt, suy mòn…

Với những người không bị bệnh, cần có ý thức trong việc phòng bệnh bằng cách tạo môi trường sống sạch, bầu không khí trong lành, không hút thuốc lá, thuốc lào, điều trị khỏi những bệnh của phế quản, phổi như viêm phế quản mạn, lao phổi…

Từ tuổi 40 trở lên, nên đi khám bệnh, chụp X-quang phổi định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Nhất là với người có nguy cơ cao (gia đình có người mắc ung thư, độ tuổi, nghiện thuốc lá…) cần tiến hành khám tầm soát ung thư để phát hiện và điều trị sớm.

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính