Bác sĩ BV Bạch Mai chỉ những sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến trẻ bị ốm

Điều hòa đang được sử dụng ngày càng phổ biến trong các gia đình. Nhưng rất nhiều người đang mắc sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến trẻ nhỏ trong nhà bị ốm.

Trẻ ốm, ho, sốt sau khi dùng điều hoà vì sao?

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, quá trình thăm khám cho bệnh nhi, ông gặp rất nhiều cha mẹ than vãn cứ cho con nằm ngủ điều hòa là con lại ốm, ho, sốt…

“Việc cha mẹ đổ lỗi cho điều hòa làm trẻ bị ốm, sốt là không đúng. Với thời tiết nóng bức như hiện nay, sử dụng điều hòa là rất tốt để làm mát cơ thể, giúp cơ thể không bị mệt mỏi, phòng ngừa bệnh tật trong mùa nắng nóng.

Trẻ bị ho, ốm, sốt khi ngồi, nằm ngủ điều hòa là do cha mẹ sử dụng điều hòa sai cách, chứ không phải điều hòa là nguyên nhân làm trẻ ốm, sốt” – Bác sĩ Dũng nói.

  Điều hòa không làm trẻ bị ốm, sốt mà do cha mẹ sử dụng điều hòa sai cách dẫn đến trẻ bị ốm. Ảnh minh họa

Điều hòa không làm trẻ bị ốm, sốt mà do cha mẹ sử dụng điều hòa sai cách dẫn đến trẻ bị ốm. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, cha mẹ thường mắc một số sai lầm dưới đây khi sử dụng điều hòa khiến trẻ bị ốm:

Những sai lầm trong sử dụng điều hoà 

Khi sử dụng điều hòa nhiều cha mẹ chỉ quan tâm đến việc chỉnh nhiệt độ của điều hòa mà không quan tâm tới chọn loại điều hòa phù hợp với phòng ở.

Đây là sai lầm nghiêm trọng, bởi sử dụng điều hòa cần phải chọn loại điều hòa phải phù hợp với khối khí của căn phòng đang sử dụng.

Rất nhiều người khi đi mua điều hòa chỉ nói phòng cần lắp rộng bao nhiêu mà không nói đến chiều cao của phòng, tức là chỉ quan tâm diện tích phòng mà không chú ý đến thể tích khí phòng.

Cùng là phòng rộng 20 m2 nhưng 20 m2 nhà chung cư khác với phòng 20 m2 ở mặt đất. Bởi trước đây, có những đia đình xây nhà mặt đất làm với chiều cao hơn 3m, tức là khối khí của phòng rất lớn. Còn bây giờ, các nhà chung cư thường xây chiều cao chỉ hơn 2m để tiết kiệm không gian thì khối khí cũng nhỏ hơn.

Do đó, công suất điều hòa ở 2 phòng cùng diện tích cũng khác nhau do khác nhau về thể tích phòng, phòng có khối khí lớn hơn thì cần sử dụng điều hòa có công suất lớn hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý tới số lượng người và đồ đạc trong phòng có sử dụng điều hòa. Nếu phòng có 4 người, lại có nhiều đồ đạc trong phòng thì phải dùng điều hòa công suất lớn. Còn nếu phòng chỉ có 1 -  2 người, ít đồ đạc trong phòng thì dùng loại công suất nhỏ hơn.

Tùy vào nhu cầu sử dụng và khối khí trong phòng mà sử dụng loại điều hòa phù hợp. Nếu chọn công suất điều hòa không đúng thì rất khó để điều chỉnh nhiệt độ cho trẻ. Và khhi dùng sai loại điều hòa thì trẻ rất dễ bị ảnh hưởng tới sức khỏe, đau ốm triền miên.

  Để nhiệt độ điều hòa không phù hợp với trẻ cũng sẽ làm cho trẻ bị ốm khi nằm điều hòa. Ảnh minh họa

Để nhiệt độ điều hòa không phù hợp với trẻ cũng sẽ làm cho trẻ bị ốm khi nằm điều hòa. Ảnh minh họa

Để nhiệt độ điều hòa không phù hợp với trẻ

Nhiều bà mẹ than vãn mở điều hòa ở nhiệt độ 28 độ mà vẫn rét run, vậy mà bé thì vẫn nóng, người bứt rứt khó ngủ, ra mồ hôi và bị ốm.

Đây là một lưu ý khá quan trọng dành cho cha mẹ khi dùng điều hòa. Cha mẹ phải đặt nhiệt độ phù hợp với các bé chứ không nên cảm nhận nhiệt độ theo người lớn.

Thân nhiệt của trẻ thường cao hơn người lớn nên để trẻ thoải mái, không bị nóng bức, mệt mỏi, cảm ốm thì mẹ cần điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp với trẻ chứ không phải phù hợp với mẹ.

Về mức nhiệt phù hợp với trẻ, bác sĩ Dũng cho rằng, không có một con số chính xác là để nhiệt độ bao nhiêu là phù hợp với trẻ. Bởi tùy thuộc vào loại điều hòa, cấu tạo căn phòng và lượng người nên không thể nói để nhiệt độ bao nhiêu sẽ phù hợp.

  PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Cách tốt nhất là phụ huynh cần thử nhiệt độ phù hợp cho con bằng cách, ban đầu nên đặt nhiệt độ điều hòa ở mức khoảng 28 độ C rồi theo dõi con mình. Nếu thấy trẻ vẫn nóng bức, ra mồ hôi, ngủ không yên giấc thì sau 10 phút lại giảm xuống 1 độ C.

Cứ như vậy cho đến khi thấy trẻ yên giấc, ngủ ngoan… thì đó là ngưỡng nhiệt độ phù hợp với con mình. Chỉ cần mất khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ theo dõi điều chỉnh nhiệt độ điều hòa là cha mẹ có thể biết được nhiệt độ phù hợp với con mình là bao nhiêu và lần sau cứ thế áp dụng.

Dùng điều hòa không có thông gió

Nhiều gia đình có tâm lý tiết kiệm và nghĩ rằng để thông gió sẽ tốn điện nên chọn cách đóng kín cửa phòng. Làm như vậy sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh do môi trường sống không sạch, không thông thoáng, lại chứa nhiều bụi, vi khuẩn.

Nguyên tắc khi sử dụng điều hòa là bao giờ cũng phải có thông gió để bụi bẩn, vi khuẩn thoát ra ngoài. Vậy nên, khi sử dụng điều hòa cha mẹ cần chú ý đến hệ thống thông khí, hoặc có thể mở hé cửa ra cho lượng khí trong phòng được lưu thông, trẻ sẽ thấy thoải mái hơn.

  Để điều hòa bụi bẩn, không vệ sinh thường xuyên cũng là sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến trẻ hay bị ốm. Ảnh minh họa

Để điều hòa bụi bẩn, không vệ sinh thường xuyên cũng là sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến trẻ hay bị ốm. Ảnh minh họa

Không vệ sinh điều hòa thường xuyên

Máy điều hòa đưa không khí vào nhà và hút khí nóng mang theo bụi bẩn ra ngoài. Chính vì vậy mà sau một thời gian sử dụng máy điều hòa sẽ rất bẩn, nhất là bộ phận màng lọc.

Mặc dù máy vẫn chạy tốt và hoạt động bình thường nhưng chất lượng không khí không tốt do máy chứa nhiều bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn và có thể gây nhiều bệnh về đường hô hấp cho người sử dụng.

Do đó, để bảo vệ sức khỏe khi sử dụng điều hòa cần thường xuyên lau chùi, vệ sinh bảo dưỡng để máy điều hòa hoạt động tốt, chất lượng không khí đảm bảo an toàn cho người dùng.

Để trẻ nằm quá lâu trong phòng điều hòa

Do thời tiết nắng nóng nên không ít cha mẹ để con trong phòng điều hòa suốt cả ngày cho mát. Cách này có thể giúp làm mát cơ thể cho con, tránh con bị say nắng, sốc nhiệt do nắng nóng nhưng như vậy sức đề kháng của trẻ sẽ suy giảm do ở lâu trong phòng, không được hòa mình cùng thiên nhiên.

Với trẻ nhỏ, cho trẻ sống hòa mình với thiên nhiên là cách tốt nhất để trẻ thích nghi, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Vậy nên, trong những ngày hè, cha mẹ vẫn cần chọn những thời điểm mát để cho trẻ ra ngoài ban công, hoặc ra ngoài trời hít thở không khí thiên nhiên.

Nhưng khi cho trẻ ra ngoài chơi cần chú ý chọn thời điểm mát, vào buổi sáng hoặc chiều tối. Nên chọn nơi thoáng mát, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột từ môi trường mát lạnh điều hòa ra môi trường nóng bức để không làm trẻ bị sốc nhiệt.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính