Quan niệm truyền thống: 3 tháng 10 ngày mới hết cữ, kiêng đủ thứ
Có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc kiêng cữ sau sinh dựa trên kinh nghiệm của các bà, các mẹ ngày xưa và khoa học ngày nay.
Nếu trước kia khi đời sống chưa được đầy đủ như hiện nay thì việc kiêng cữ khá vất vả. Thường thì phụ nữ sau sinh sẽ phải kiêng cữ 3 tháng 10 ngày với hàng loạt yêu cầu khắt khe từ người lớn và những người đã có kinh nghiệm sinh nở như:
- Kiêng tắm trong tháng đầu tiên vì sợ rằng khi phụ nữ mới sinh, cơ thể còn yếu, các lỗ chân lông chưa khít lại, nếu tắm sớm có thể bị nhiễm lạnh, nổi gân xanh hoặc sởn gai ốc mỗi khi thời tiết thay đổi.
- Phụ nữ sau sinh không được mang vác vật nặng, kiêng ngồi, kiêng xem tivi, ngay cả việc lướt web cũng phải kiêng vì đọc sách báo có thể làm mắt yếu đi. Đối với phụ nữ hiện đại thì việc này khá là khó. Vì những yêu cầu này gần như tách biệt mẹ với thế giới đang ngày càng biến động như hiện nay.
- Nhất là đối với việc ăn uống, các cụ thường khá khắt khe trong việc kiêng ăn thực phẩm này, kiêng uống nước kia.
- Móng giò hầm là món ăn được cho là "lợi sữa" mà các bà nội, bà ngoại tin tưởng để bồi bổ cho bà đẻ. Nhưng đây lại là nỗi ám ảnh với các mẹ vì thực đơn hàng ngày đều xuất hiện món này, triền miên lặp đi lặp lại khiến nhiều mẹ vừa nhìn thấy đã nổi hết da gà.
- Mẹ sau sinh được dặn dò trong cữ (3 tháng 10 ngày) thì không được "gần gũi" với chồng. Đây là điều "cấm kỵ" vì không những không tốt cho sức khỏe của mẹ mà còn gây rủi ro cho người chồng.
Bác sĩ sản khoa nói gì về sự phục hồi của phụ nữ sau sinh?
Kiêng cữ sau sinh là hoàn toàn đúng, tuy nhiên kiêng ở mức độ nào, kiêng cữ bao lâu... thì người mẹ có thể quay lại các sinh hoạt bình thường? Sau đây là những mốc thời gian quan trọng mẹ cần lưu ý:
3-4 ngày sau sinh: Thời gian cần tuyệt đối cẩn thận
Thời gian này mẹ có thể bắt đầu tắm bằng nước ấm. Với các mẹ đẻ thường thì cũng có thể gội đầu cho sạch sẽ, dễ chịu. Với các bà mẹ đẻ mổ thì có thể phải đợi 7-10 ngày sau sinh vì việc đứng lâu để tắm gội có thể làm ảnh hưởng đến vết mổ.
Trước kia, các bà, các mẹ của chúng ta phải kiêng tới cả tháng trời mới được tắm gội vì trước kia chưa có phòng khép kín như hiện nay. Việc tắm gội diễn ra tại nhà tắm ở sân vườn, không kín gió. Nhưng hiện nay, mẹ có thể tắm ngay trong phòng mình dưới vòi hoa sen và nước ấm, không có gió lùa là được.
Mẹ sau đẻ mổ không nên tắm bồn vì ngâm mình trong nước sẽ ảnh hưởng tới vết thương chưa lành. Mẹ nên tắm nhanh dưới vòi hoa sen (không quá 20 phút). Không nên vừa tắm vừa gội một ngày mà nên tắm trong một ngày, rồi ngày hôm sau mới gội đầu.
10 ngày sau sinh: Quá trình hồi phục nhanh dần
Với các bà mẹ đẻ thường thì đây là lúc các chức năng tiêu hóa, bài tiết của mẹ đã ổn định, việc ăn uống có thể trở lại như bình thường. Mẹ nên ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng để có sức khỏe chăm sóc bé và đảm bảo sự hồi phục của cơ thể mẹ.
Với các bà mẹ phải đẻ mổ thì việc phục hồi có thể chậm hơn một chút. Mẹ vẫn nên ăn các thức ăn loãng, dễ tiêu, uống nhiều nước để tránh táo bón. Tình trạng táo bón sau khi sinh con sẽ ảnh hưởng không tốt đến vết mổ.
3 tuần sau sinh mổ: Cảm giác đau giảm dần cho đến hết hẳn
Đây là mốc thời gian quan trọng thời kỳ hậu sản, đặc biệt với các bà mẹ sinh mổ. Các nghiên cứu cho thấy khoảng thời gian 22 ngày sau đầu tiên sinh mổ là lúc mức độ đau (vết mổ) giảm dần đến lúc không còn đau chút nào.
Nếu sau 21, 22 ngày (khoảng 3 tuần) kể từ khi sinh mổ, người mẹ vẫn thấy đau ở vết mổ hoặc vùng bụng, cũng như bất cứ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, mẹ cần đến gặp bác sĩ sản khoa để được tư vấn.
6 - 8 tuần sau sinh: Mẹ có thể từng bước quay lại cuộc sống bình thường
Ở thời điểm này, mẹ có thể đi ra ngoài nhiều hơn để cân bằng cuộc sống. Nếu có người trông con giúp, mẹ nên một phần thời gian trong tuần/trong ngày có thể đi mua sắm, đi dạo bên ngoài... để không quá mệt mỏi, buồn chán vì tách biệt với cuộc sống bình thường.
Các bác sĩ chỉ ra nhiều phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh do sống quá cách biệt với cuộc sống bên ngoài, không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Vì vậy, dù hết sức yêu con nhưng mẹ vẫn cần dành thời gian chăm sóc cho bản thân mình.
Thời điểm này, mẹ cũng có thể áp dụng các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga... Quan điểm truyền thống cho rằng sau sinh phụ nữ không nên mang vác vật nặng. Quan điểm này hoàn toàn chính xác. Vì khi bà đẻ mang vác nặng sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu đường sinh sản. Tuy nhiên vận động nhẹ, giúp cải thiện tinh thần và tăng cường sức đề kháng là rất cần thiết.
Trên đây là các mốc thời gian kiêng cữ sau sinh mẹ cần biết để giữ gìn sức khỏe, cân đối sinh hoạt cho bản thân trong thời gian ở cữ. Hi vọng sẽ giúp ích cho các mẹ!
Phụ nữ sau sinh con bao lâu thì không phải kiêng "yêu"?
Nhiều mẹ sau sinh được dặn là sau 3 tháng 10 ngày ở cữ mới được làm “chuyện ấy” trở lại. Vì trong thời gian ở cữ mà làm “chuyện ấy” thì sẽ đem lại sự xui xẻo về công danh, sự nghiệp của chồng.
Tuy nhiên các bác sĩ sản phụ khoa cho rằng chỉ cần “cô bé” đã lành vết thương và tâm lý sẵn sàng cho chuyện ấy thì không cần tới 3 tháng 10 ngày hai vợ chồng có thể quan hệ trở lại. Thông thường, thời gian tối thiểu để cô bé lành là 6-8 tuần sau sinh.
Phương AnhBạn đang xem bài viết Bà đẻ ở cữ bao lâu, nên lưu ý điều gì? tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].