Giá trị dinh dưỡng của trái đào
Dưới đây là một số giá trị dinh dưỡng và các chức năng hỗ trợ sức khỏe của trái đào.
- Lượng sắt trong 100g quả đào cao gấp 4-6 lần so với táo hay lê, và đối với bệnh nhân bị thiếu máu thì đây là một loại quả rất lý tưởng. Quả đào còn chứa flo là thành phần chính cấu tạo nên xương, răng và có tác dụng ngăn ngừa sâu răng.
- Một quả đào có chứa rất nhiều vitamin A tốt cho mắt, kali và một số chất dinh dưỡng khác như canxi, phốt pho, ma giê, selen, vitamin E, K và các vitamin nhóm B. Trong đó, vitamin E là một chất chống ô xi hóa và vitamin K rất cần thiết cho khả năng làm đông máu của cơ thể.
- Quả đào còn giàu vitamin C, loại vitamin cần thiết trong việc hình thành các tế bào biểu mô và chất chống ô-xi hóa.
- Một trái đào chỉ chứa 68 calori, không chứa chất béo. Bởi vậy, ăn đào thường xuyên một cách điều độ sẽ giúp kiểm soát cân nặng rất tốt.
- Kali có nhiều trong đào có tác dụng điều hòa huyết áp, nhịp tim và dạ dày thông qua việc đảm bảo cân bằng lượng chất lỏng trong các tế bào và đẩy mạnh phản ứng của trung ương thần kinh.
Bà bầu ăn quả đào được không?
Thực phẩm trong giai đoạn thai kì đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của thai nhi.
Quan niệm dân gian cho rằng, bà bầu kiêng tuyệt đối ăn đào nhất là trong 3 tháng đầu bởi đào sẽ gây sẩy thai. Vậy, quan niệm này có đúng hay không, bà bầu ăn quả đào được không?
Theo các bác sĩ, bà bầu không nên ăn chứ không phải kiêng tuyệt đối quả đào. Trong quả đào có rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi như: folate giúp ngăn ngừa dị tật thần kinh, kali giúp làm giảm tình trạng co thắt cơ và giảm mệt mỏi thường gặp trong thai kỳ, vitamin C hỗ trợ quá trình tạo xương, răng, da, cơ và các mạch máu, giúp hấp thụ sắt rất tốt cho cả mẹ và thai nhi.
Theo các bác sĩ, bà bầu không nên ăn chứ không phải kiêng tuyệt đối quả đào.
Tuy vậy, quả đào là một trong những loại quả có tính nóng, vì vậy nếu bầu ăn nhiều quả đào sẽ khiến tình trạng nhiệt tăng lên, có thể dẫn đến hiện tượng xuất huyết âm đạo, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kì. Lông ở vỏ quả đào có thể gây kích thích ngứa họng hoặc dị ứng.
Vì vậy bà bầu có thể ăn đào, nhưng không nên ăn quá nhiều và luôn nhớ chọn những trái đào an toàn, đã chín, rửa sạch trước khi ăn và nên gọt vỏ để tránh lớp lông đào gây kích ứng khó chịu.
Trái đào có tính nóng. Nếu bầu ăn nhiều quả đào sẽ khiến tình trạng nhiệt tăng lên, có thể dẫn đến hiện tượng xuất huyết âm đạo, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kì.
Những bài thuốc Đông y từ quả đào
- Quả đào phơi hoặc sấy khô, có vị hơi chua, đắng, tính bình, có tác dụng chỉ huyết, liễm hãn. Dùng trong các trường hợp ra mồ hôi trộm, di tinh, thổ huyết, động thai. Khi bị động thai ra máu, có thể dùng 1 quả đào sao tồn tính (sao tới khi toàn bộ vỏ quả bị đen), tán bột mịn, uống với nước ấm.
- Phơi hoặc sấy khô nhân từ hạt quả đào, có vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết, khứ ứ, dùng trị các bệnh bế kinh, đau bụng khi kinh nguyệt do máu kết thành cục: Đào nhân, hồng hoa, mỗi vị 6 g; xuyên khung 4 g, đương quy, xích thược, mỗi vị 10 g. Sắc uống, ngày 1 thang. Uống liền 2 tuần lễ. Lặp lại vài chu kỳ kinh nguyệt cho tới khi hết các triệu chứng nói trên.
- Đào nhân còn có tác dụng trị ho, hóa đờm. Dùng trong các trường hợp ho nhiều đờm, phối hợp trần bì, bách bộ, mạch môn. Ngoài ra đào nhân còn có tác dụng lợi đại tiện, được dùng khi bị táo bón; dùng tốt cho các trường hợp táo bón do đoản hơi, đoản khí.
Mai ChiBạn đang xem bài viết Bà bầu ăn quả đào được không, có gây sẩy thai hay nóng không? tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].