Vấn đề cá nhiễm thủy ngân chưa hề là mối quan tâm của người dân cho đến những năm 1950, sau một sự kiện xảy ra ở thành phố ven biển Minamata tại Nhật Bản.
Ngày 21/4/1956, một cô bé 5 tuổi được đưa vào bệnh viện Minamata điều trị căn bệnh bí ẩn khiến bé gặp khó khăn trong việc đi lại.
Ngay sau đó, hàng loạt bệnh nhân cũng gặp phải triệu chứng tương tự. Không chỉ con người, cả mèo và chim ở khu vực này đều có biểu hiện giống hệt nhau.
Các nhà khoa học lập tức điều tra nguồn nước ở nơi đây do nghi ngờ căn bệnh này đến từ món cá mà người dân ở đây ăn hằng ngày. Họ phát hiện ra một nhà máy đã xả nước thải chứa nồng độ thủy ngân rất cao ra biển, vô tình khiến cá ở đây bị nhiễm thủy ngân theo.
Người nhiễm thủy ngân nơi đây dần mất khả năng điều khiển các cơ, bị liệt hay hôn mê. Hơn 1.780 người đã chết do ngộ độc thủy ngân.
Cá nhiễm thủy ngân như thế nào?
Thủy ngân là một chất độc có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ khoáng sản, trong cây hay trong đất. Nhưng nguồn thủy ngân nhiều nhất lại xuất phát từ các hoạt động công nghiệp.
Cụ thể, chất thải từ khu công nghiệp sẽ làm ảnh hưởng đến không khí và nước. Sau đó, mưa sẽ tích tụ lại và xả xuống sông hay biển. Thế nhưng, hầu hết lượng thủy ngân ở trong nước lại là dạng vô cơ, nghĩa là khó đi vào cơ thể sống nếu bị ăn phải.
Tuy nhiên, một số loại vi khuẩn trong nước lại có khả năng chuyển hóa thủy ngân vô cơ thành hữu cơ, gọi là chất metyl thủy ngân.
Chất này sẽ được tảo biển hấp thụ đầu tiên, sau đó đến các loài sinh vật nhỏ như tôm hay tép (bởi chúng ăn tảo biển). Rồi tôm tép lại trở thành thức ăn của cá, cá nhỏ thành mồi của cá lớn... Chuỗi thức ăn này thay nhau hấp thụ thủy ngân từ con mồi của mình.
Quá trình này được gọi là biomagnification (tạm dịch: khuếch đại sinh học). Loài cá lớn nhất đứng gần đỉnh của chuỗi thức ăn có thể chứa metyl thủy ngân cao gấp 10 triệu lần lượng chất này trong nước biển.
Ảnh hưởng của thủy ngân đến cơ thể người
Tiếp xúc với mức độ thủy ngân cao có thể phá hủy hệ thần kinh và não bộ, gây nên co giật, phản xạ bất thường và tê liệt.
Chưa rõ độ chính xác về việc thủy ngân tác động thế nào đến hệ thần kinh, nhưng ảnh hưởng lớn nhất có thể thấy được là nó ức chế sự hình thành myelin - chất béo che phủ và bảo vệ dây thần kinh, giúp chúng hoạt động tốt.
Tuy nhiên, trẻ nhỏ và thai nhi đặc biệt nhạy cảm với ảnh hưởng của thủy ngân đến hệ thần kinh. Nếu mẹ mang bầu thường xuyên tiếp xúc với thủy ngân, chất độc này sẽ tác động đến trẻ, cụ thể khiến trẻ có trí nhớ kém và ít tập trung.
Nhiều bằng chứng cũng cho thấy thủy ngân cũng gây ra các vấn đề tim mạch ở người lớn. Nó đi vào tim và làm giảm chất chống oxy hóa. Đồng thời, người tiếp xúc với mức thủy ngân cao sẽ dễ bị huyết áp bất thường, bệnh liêm quan đến tim mạch và đau tim.
Có nên ăn cá nữa hay không?
Đối với bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ, cá vẫn là một thành phần không thể thiếu trong các bữa ăn. Do bên trong cá chứa Omega-3s rất có lợi cho sự phát triển của não bộ trẻ.
Do đó, mẹ bầu và mẹ đang cho con bú vẫn nên ăn cá, nhưng nhớ hạn chế lượng và loại cá mình ăn. Chuyên gia khuyên mỗi người nên ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần, mỗi bữa khoảng 140g.
Với người không mang bầu và trẻ đã lớn, các nghiên cứu chỉ ra rằng lượng metyl thủy ngân hấp thụ vào cơ thể người khác nhau tùy cơ địa, cân nặng, độ tuổi và cấu trúc gen. Vì cá chứa nhiều dưỡng chất, con người vẫn nên ăn chúng.
Tuy nhiên, theo Cơ quan về tiêu chuẩn thực phẩm, nên lựa chọn các loại cá ít thủy ngân nhưng giàu Omega-3s như cá thu Đại Tây Dương, cá hồi và cá mòi.
Kim Oanh (Theo BBC)Bạn đang xem bài viết Ăn cá nhiễm thủy ngân có bị làm sao không? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].