Từ 25/8/2022, không phân loại rác sinh hoạt bị phạt đến 1 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ 25/8 tới.

Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định 45 là việc xử phạt với hành vi không phân loại rác. Theo đó, khoản 1 Điều 26 Nghị định này quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Quy định hiện nay tại Nghị định 155/2016 không có quy định về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.

Ngoài ra, Nghị định 45/2022 còn quy định một số mức phạt khác liên quan đến hành vi thu gom, thải rác trái quy định về bảo vệ môi trường tại Điều 25 như:

- Phạt tiền từ 100.000 - 150.000 đồng nếu vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

- Phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng nếu vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

- Phạt tiền từ 500.000 - 01 triệu đồng nếu vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

- Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng nếu vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố...

Từ 25/8/2022, không phân loại rác sinh hoạt bị phạt đến 1 triệu đồng.

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Theo Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình được phân loại thành 03 nhóm:

- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế

- Chất thải thực phẩm

- Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Hộ gia đình, cá nhân ở thành phố phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại thành các bao bì và chuyển giao như sau:

- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển;

- Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho các cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan