Trào lưu 'Thuận tự nhiên': Nước Anh đã ngừng đẻ liên sinh từ 10 năm trước

Đẻ liên sinh là một phần của trào lưu sinh con thuận tự nhiên, nghĩa là các bà mẹ sẽ tự sinh con tại nhà, sau khi sinh không cắt dây rốn mà để dây rốn tự rụng. Tuy nhiên, ngay cả ở nước có nền y tế phát triển như Anh, các bác sĩ cũng cho rằng đây là một trào lưu nguy hiểm.

Em bé đẻ theo phương pháp liên sinh (trái) và bánh nhau phủ đầy muối, thảo mộc để làm chậm quá trình phân hủy (phải)

Giữa năm 2017, báo Daily Mail đã lên tiếng cảnh báo về trào lưu mới nổi ở Anh: “Lotus birth” – đẻ hoa sen (liên sinh).

Tên gọi này có thể bắt nguồn từ hình ảnh nhau thai dính liền với cơ thể trẻ sau khi ra đời, được đựng trong một chiếc túi hoặc chậu nhỏ đặt cạnh em bé, giống như bông hoa sen.

Mặc dù có tên gọi mỹ miều như vậy nhưng theo các bác sĩ, trào lưu này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh.

Đẻ liên sinh là một trào lưu nguy hiểm

Theo báo Daily Mail, những năm gần đây có sự gia tăng đáng kể các bà mẹ lựa chọn đẻ con theo liên sinh. Sau khi em bé chào đời, dây rốn không bị cắt như cách thông thường mà vẫn được giữ cho gắn liền với bánh nhau, cho đến khi dây rốn tự rụng.

Theo báo Daily Mail, xu hướng sinh nở liên sinh lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2008.

Các chuyên gia y tế đã thử nghiệm phương pháp này và nhanh chóng ngừng thực hành.

Một số bà mẹ lựa chọn sinh con tại nhà vẫn duy trì phương pháp này.

Nhiều bà mẹ, ông bố chia sẻ những bức ảnh chụp em bé sau khi sinh vẫn còn để nguyên dây rốn nối với chậu (túi) đựng nhau thai, và nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng. 

Những người ủng hộ trào lưu này cho rằng đẻ liên sinh giúp giảm nhẹ tình trạng trẻ chuyển đột ngột từ bụng mẹ ra môi trường bên ngoài, giúp trẻ nhận thêm tế bào gốc, những chất dinh dưỡng từ nhau thai.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ, cách sinh nở này có thể dẫn đến nguy cơ vi khuẩn tấn công, nhiễm trùng cho em bé.

Trường Đại học Hoàng gia về Sản phụ khoa Anh (RCOG) đã cảnh báo về nguy cơ của xu hướng chọn đẻ theo phương pháp liên sinh.

Người phát ngôn của trường nói: “Nếu để dây rốn dính liền một thời gian sau khi sinh, có nguy cơ tình trạng nhiễm trùng từ nhau thai sẽ lan sang cơ thể em bé”.

“Nhau thai là bộ phận đặc biệt dễ nhiễm trùng vì nó chứa máu. Chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh, khi mà dây rốn ngừng hoạt động, nhau thai không có lưu thông máu nữa thì đây cơ bản là những mô chết.

"Nếu phụ nữ lựa chọn không cắt dây rốn, RCOG khuyến cáo rằng trẻ cần được theo dõi chặt chẽ về nguy cơ nhiễm trùng".

Một ông bố bế con vẫn còn dây rốn dính với nhau thai (đựng trong chậu)

“Đẻ liên sinh” hoàn toàn khác với cắt dây rốn chậm

Đẻ liên sinh hoàn toàn khác với phương pháp cắt dây rốn chậm – một phương pháp đã được chứng minh là đem lại hiệu quả lớn cho sức khỏe của em bé.

Việc cắt dây rốn chậm – không quá 3 ba phút sau khi em bé chào đời, có thể có lợi cho hầu hết trẻ sơ sinh bằng cách cung cấp cho trẻ một dòng máu giàu oxy.

Các bác sĩ sản khoa đề nghị chờ “ít nhất 30 giây - 60 giây sau khi sinh” đối với tất cả trẻ sơ sinh khỏe mạnh giúp bé tăng cường sức khỏe.

Ở Mỹ các bác sĩ thường cắt dây rốn ngay lập tức, trong vòng từ 15 - 20 giây sau sinh, trừ khi trẻ bị sinh non.

Tiến sĩ Maria Mascola thuộc Trường Sản phụ khoa (Anh) cho biết: “Thêm một nửa phút nữa có thể không nhiều, nhưng rất nhiều máu giàu oxy đến được đứa bé qua dây rốn ngay sau khi chào đời”.

Theo các bác sĩ, máu có thể chảy trong dây rốn tới 5 phút sau sinh, nhưng đa số máu sẽ truyền trong phút đầu tiên.

Việc trì hoãn kẹp dây rốn làm giảm thiếu máu ở trẻ em, bằng cách cho phép trẻ tiếp nhận thêm máu giàu chất sắt từ nhau thai của mẹ.

Thiếu máu, có thể ảnh hưởng đến phát triển trí não, là căn bệnh gây ảnh hưởng tới trên 40% trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Đẻ liên sinh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng của trẻ, vì nhau thai chứa nhiều máu, có nguy cơ nhiễm trùng cao

Sinh đẻ “thuận tự nhiên” gây tử vong gấp 4 lần sinh ở viện – các bà mẹ nên suy nghĩ kỹ - Facebook của Bác sĩ Trần Văn Phúc, bệnh viện Xanh Pôn

Tháng 2/2014, Tạp chí Sản Phụ khoa Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu với cỡ mẫu đủ lớn, lên tới 10.453.778 trường hợp bà mẹ sinh con tại Mỹ, phát hiện ra rằng trẻ sinh tại nhà có tỉ lệ tử vong gấp 4 lần sinh ở bệnh viện.

Hiệp hội Phụ nữ Tự do của Bắc Mỹ thực hiện nghiên cứu độc lập, kết quả cho thấy trẻ sinh ở nhà chết gấp 5,5 lần so với số trẻ sơ sinh chết tại bệnh viện.

Còn có nhiều những biến chứng khác với trẻ sinh tại nhà mà các nghiên cứu đã chỉ ra:

- Afgar 0 điểm trong 5 phút gấp 10 lần.

- Thiếu Oxy gây thiếu máu não cục bộ tăng gấp 17 lần.

- Mắc chứng động kinh tăng gấp 3 lần.

Dựa trên hàng loạt những nghiên cứu uy tín, mùa hè năm 2010, tạp chí The Lancet đăng tải một bài xã luận vang dội khắp thế giới, cung cấp những bằng chứng mạnh mẽ về việc sinh con tại nhà có hại cho trẻ sơ sinh.

Bài báo một lần nữa khẳng định: “Phụ nữ có quyền lựa chọn cách thức sinh con và chọn nơi sinh con, nhưng họ không có quyền đặt đứa con của họ vào nơi báo trước sự nguy hiểm”.

Hầu hết các chuyên gia y khoa đều cho rằng sinh tại nhà là nguy hiểm và vô trách nhiệm. Một số người cho rằng hành động đó là liều lĩnh, mà bản chất của nó là ngược đãi trẻ em.

Sự can thiệp của y học hiện đại là cần thiết, nó an toàn cho các bà mẹ nhất là những người có nguy cơ, thời gian phục hồi ngắn, giảm tỉ lệ xuất huyết, khắc phục tình trạng rách tử cung âm đạo, giảm nhiễm trùng.

Và cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh bằng kết luận của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC): “Sinh đẻ với một bà mụ tại nhà đã giết chết những đứa trẻ sơ sinh.

Đã đến lúc những người Mỹ ủng hộ sinh đẻ theo phương pháp tự nhiên phải ngừng nói về sự an toàn và phải bắt đầu làm một điều gì đó để giảm bớt số ca tử vong có thể tránh được”.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan