Tiễn đưa Giáo sư-Anh hùng lao động Vũ Khiêu về nơi an nghỉ cuối cùng

Lễ tang Giáo sư-Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).

Sáng 11/10, mặc dù trời mưa tầm tã, các đoàn đại diện nhiều Ban, Bộ, ngành, chính quyền, tổ chức đoàn thể, Trường đại học, Viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu, học giả… đã đến viếng, chia buồn cùng gia quyến và tiễn đưa GS- Anh hùng lao động Vũ Khiêu về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã gửi vòng hoa viếng. 

Đến viếng và chia buồn sâu sắc với gia đình Giáo sư-Anh hùng lao động Vũ Khiêu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xúc động viết: "Giáo sư không còn nhưng những đóng góp và tình cảm, kỷ niệm về Giáo sư còn mãi. “Khoa giáo hưng quốc. Hiền nhân lưu danh”.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, cũng ghi sổ tang: "Cả cuộc đời lao động quên mình của GS Vũ Khiêu đã để lại nhiều tác phẩm văn hóa lớn, đậm tinh thần yêu nước cách mạng, giáo dục truyền thống tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau. Kính mong Giáo sư yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thắp hương trước linh cữu Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu. Ảnh: CAND

Đọc điếu văn tại tang lễ, PGS-TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khẳng định: "Giáo sư mất đi là một tổn thất to lớn đối với giới nghiên cứu khoa học xã hội nước nhà và để lại niềm tiếc thương vô hạn cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam".

Rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ cũng đã đến tiễn biệt, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Giáo sư-Anh hùng lao động Vũ Khiêu.

Thay mặt cho gia đình, dòng họ GS.TS Đặng Cảnh Khanh, con trai của Giáo sư-Anh hùng lao động Vũ Khiêu trân trọng cám ơn các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, học trò của giáo sư... đã tham gia vào việc tổ chức và đến dự tang lễ.

Ông trải lòng: "Chúng tôi đã quay quần xung quanh giường bệnh của ông những giờ phút biệt li cuối cùng. Lúc cầm tay ông thấy lạnh quá, chúng tôi bảo “Bố ơi tay bố lạnh lắm”. Ông khẽ gật đầu, đôi mắt đã chứng kiến biết bao sự kiện hào hùng của dân tộc suốt hơn trăm năm qua nhẹ nhàng khép lại. Ông ra đi thật thanh thản".

GS.TS Đặng Cảnh Khanh chia sẻ, trong thư để lại cho con cháu, Giáo sư-Anh hùng lao động Vũ Khiêu viết: “Điều đầu tiên bố muốn dặn các con là, dẫu thế nào cũng phải giữ được những phẩm chất của một gia đình trí thức truyền thống. Cụ của các con đã từ bỏ chốn quan trường để về nhà dạy học, từ chối không chịu hợp tác với Pháp. Ông nội các con theo Đông Kinh Nghĩa Thục, các ông chú, ông bác, bà cô đều hoạt động cách mạng, có người chịu tù đày tới chết. Bố muốn nhắc các con không bao giờ được quên rằng phẩm chất cao đẹp nhất của con người, đặc biệt của trí thức là sự trung hiếu”.

Giáo sư-Anh hùng lao động Vũ Khiêu cũng để lại lời tâm huyết: “Đối với những gia đình trí thức, thì nhà cao cửa rộng, miếng cơm manh áo cho dù rất cần thiết nhưng không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng hơn phải là tri thức và học vấn. Nhưng vượt cao hơn tri thức và học vấn lại là cốt cách và phẩm chất. Đã là trí thức chân chính thì ai cũng cần phải cảm nhận được như vậy".

GS. TS Đặng Cảnh Khanh xin phép nhắc những điều tâm huyết mà Giáo sư-Anh hùng lao động Vũ Khiêu đã căn dặn, hy vọng sẽ luôn ghi nhớ và phấn đấu làm theo. 

Sau khi tổ chức tang lễ tại Hà Nội, chiều cùng ngày, gia đình đã tổ chức lễ an táng tại nghĩa trang làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu tên đầy đủ là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916, quê ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Ông nguyên là Giám đốc Sở Thông tin Liên khu 10, nguyên Phó Giám đốc Sở Thông tin Việt Bắc, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam).

Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và kỹ thuật, Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Công dân Thủ đô ưu tú, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã viết nhiều tác phẩm nghiên cứu nổi tiếng trong các lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, đặc biệt là bộ "Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long."

Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được tập thể các giáo sư, bác sĩ, gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng ông không qua khỏi và từ trần vào 12 giờ 37 phút, ngày 30/9, hưởng thọ 106 tuổi.

Tuấn Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan