Theo số liệu từ Viện Dinh dưỡng, ngoài thời gian lên lớp, 30% các em nhỏ dành 3 tiếng chỉ để ngồi. Chiều hướng lười vận động, ăn nhiều thịt, ít rau ngày càng phổ biến hơn ở trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em thành thị. Hệ lụy là trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ béo phì đã tăng tới 9 lần ở trẻ nhỏ.
Sai lầm khiến gánh nặng dinh dưỡng nhân đôi
Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng, đó là tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tăng nhanh và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm chậm. Gánh nặng về dinh dưỡng nhân đôi, nguyên nhân là do phụ huynh còn thiếu thực hành về dinh dưỡng, dinh dưỡng chưa hợp lý, thói quen ăn uống… và còn đến từ một số sai lầm trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ.
Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng những bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em tại trường học thì cũng cần những chiến lược, phương pháp tác động sâu sắc đến nhận thức của phụ huynh, cộng đồng, xã hội để thay đổi thói quen thực hành dinh dưỡng, vận động, nâng cao thể chất cho trẻ.
Làm sao để thay đổi từ nhận thức đến thực hành dinh dưỡng, Cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng:
-“Đây là vấn đề không chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước, hay chỉ cần sự quyết tâm của một số bộ, ngành mà cần sự đồng hành của toàn xã hội, trước hết là ngay trong ngành Giáo dục, từ đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lí, đến học sinh sinh viên cần nâng cao nhận thức và thống nhất hành động”.
Mô hình thay đổi từ thực hành dinh dưỡng đến nhận thức trong trường học
Từ 2019, một chiến dịch thay đổi thói quen thực hành dinh dưỡng, tăng cường các hoạt động thể lực trong trường học đã được khởi động sau quyết định phê duyệt đề án 41 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Giáo dục & Đào tạo giữ vai trò kết nối các nguồn lực và từ tháng 8/2020 bắt đầu xây dựng “Mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên”. 20 trường học tại 10 tỉnh thành được chọn để tham gia mô hình thí điểm này, có sự đồng hành của Tập đoàn TH.
Trong mô hình thí điểm, các chuyên gia giáo dục, dinh dưỡng, thể chất đến từ Bộ GD-ĐT, Viện Dinh dưỡng, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM đã cùng xây dựng 4 bộ thực đơn, các mô hình vận động và trực tiếp hướng dẫn từ lý thuyết đến thực hành cho các giáo viên mầm non, nhân viên bếp ăn và đại diện phụ huynh.
Là một trong những trường được chọn tham gia mô hình điểm, cô Cô Phan Thị Thuận, Hiệu trưởng trường mầm non Sơn Ca (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ:
-“Nhân viên cấp dưỡng nhà trường được trực tiếp hướng dẫn cách chế biến từng món ăn sao cho ngon, hấp dẫn, đảm bảo dinh dưỡng, giảm tinh bột, thêm rau thịt và phù hợp với tình hình thực tế ở Quảng Nam. Giáo viên cũng được tập huấn và hướng dẫn các bài tập phát triển thể lực cho trẻ”.
Không chỉ được thụ hưởng những bữa ăn dinh dưỡng đủ chất, học sinh ở 20 ngôi trường tham gia dự án còn được các thầy cô trực tiếp giới thiệu những kiến thức thú vị về dinh dưỡng trước mỗi bữa ăn.
-“Khi mình giáo dục dinh dưỡng cho trẻ từ nhỏ, trẻ hiểu được giá trị dinh dưỡng có trong từng loại thực phẩm. Các cháu hiểu được vì sao mình muốn khỏe mạnh thì mình cần phải ăn đủ những vi chất dinh dưỡng này”, ThS.BS Lê Thị Hải, Chuyên gia dinh dưỡng nói.
Những thói quen dinh dưỡng và rèn luyện từ nhỏ sẽ là những hành trang quý giá theo các em suốt cuộc đời. Các em lớn lên sẽ tiếp tục là những nhân tố lan truyền thói quen dinh dưỡng, vận động tốt ra cộng đồng xung quanh, thế hệ tương lai…
Cung cấp kiến thức dinh dưỡng giúp phụ huynh giám sát đúng và hiệu quả
Điều đặc biệt, trong mô hình thí điểm bữa ăn học đường kết hợp vận động, phụ huynh các địa phương còn được mời tham gia các hội thảo để hiểu và đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục dinh dưỡng, thể lực; cùng tham gia giám sát và chăm sóc bữa ăn học đường.
PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết:
-"Sự thay đổi về nhận thức về bữa ăn học đường rất quan trọng. Trước đây, khi không có mô hình thí điểm bữa ăn học đường, bữa ăn ở trường mầm non, tiểu học chỉ là dịch vụ chi hộ, thu hộ. Phụ huynh đóng bao nhiêu tiền thì trường sẽ dành ra các khoản: chi bao nhiêu cho mua gạo, bao nhiêu cho mua rau, thịt, đồ gia vị và cắt ra bao nhiêu chi cho người nấu bếp.
Việc quy bữa ăn ra giá tiền, thiếu kiến thức về dinh dưỡng gây khó cho cả nhà trường trong việc công khai minh bạch thông tin bữa ăn, thực đơn và chi phí và cho cả phụ huynh trong việc giám sát.
Chẳng hạn như ở Sơn La, 2 nhân viên bếp ăn phải phục vụ bữa ăn 250 học sinh nhưng được trả lương rất thấp. 2 nhân viên này đề nghị được tăng lương nếu không sẽ bỏ việc. Để có chi phí tăng lương, nhà trường muốn tăng mỗi suất ăn lên 1.000 đồng nhưng phụ huynh quyết liệt phản đối.
Trong khi đó, với mô hình bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng kết hợp vận động, vì đã làm rất chuẩn chỉ từ thực đơn đa dạng đến giám sát mẫu hàng ngày, vệ sinh nhà bếp… nên các trường học thường có xu hướng “khoe ra” với các phụ huynh.
Đồng thời, các thầy cô được tập huấn về dinh dưỡng cũng dễ giải thích cho phụ huynh hơn về việc vì sao có món này món kia, trong bữa ăn của con, lượng như vậy là con ăn vừa đủ. Phụ huynh cũng hiểu hơn về dinh dưỡng và cũng không còn những thắc mắc tại sao ít thịt nhiều rau".
Chia sẻ với chương trình Vì Tầm Vóc Việt, PGS.TS Bùi Thị Nhung cho biết:
-“Khi chúng ta xây dựng các chính sách về dinh dưỡng học đường, chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ban ngành để hỗ trợ nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn, hỗ trợ giám sát, hỗ trợ quá trình thực hiện. Phụ huynh cũng cần phối hợp để chúng ta có thể thực hiện được tốt nhất bữa ăn học đường”.