Thẩm định SGK mới lớp 2 và 6: Làm sao để tránh vết xe đổ của SGK 1?

Bộ GD&ĐT cho biết đang nhận hồ sơ thẩm định đợt 2 SGK lớp 2 và 6 để phê duyệt đưa vào sử dụng từ năm học 2021 - 2022. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT sớm cung cấp SGK lớp 2, lớp 6 trên mạng để nhận được ý kiến đóng góp của chuyên gia, giáo viên và phụ huynh.

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thực hiện theo hai vòng

Thông tin với PV Gia Đình Mới về việc chuẩn bị cho bộ sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6 theo Chương trình Giáo dục Phổ thông mới 2018, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện công tác thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã được thực hiện xong vòng 1. Các tác giả cũng đã chỉnh sửa và Hội đồng đã bắt đầu thu sách để chuẩn bị triển khai thẩm định vòng 2.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT.

Hiện đã có 33 bản mẫu SGK của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 được gửi về. Đối với lớp 6, có 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh.

Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 trên cơ sở các thành viên đã tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 và bổ sung một số thành viên mới.

Mỗi hội đồng có trung bình 7-15 thành viên. Trong khi đó, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 6 gồm 128 thành viên của 12 môn học và hoạt động giáo dục.

Mỗi thành viên hội đồng nhận bản thảo SGK và nghiên cứu độc lập (15 ngày). Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận (năm ngày cho mỗi bản thảo gồm các nội dung: Nghe tác giả báo cáo về nội dung bản thảo SGK; thảo luận tập trung công khai về bản thảo SGK; công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để tác giả biết nội dung chi tiết đánh giá của hội đồng để thảo luận, tiếp thu, chỉnh sửa và có ý kiến phản biện lại hội đồng nếu có).

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK được thực hiện theo hai vòng (vòng một, vòng hai), dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản thảo SGK và kết luận ở ba mức: Đạt; đạt nhưng cần sửa chữa; không đạt.

Cần ý kiến phản biện của giáo viên

Bộ GD&ĐT cũng thông tin “Bộ cũng đang tính đến việc sẽ đăng các bản thảo SGK lên mạng để nhận được ý kiến góp ý đa chiều từ các chuyên gia giáo dục, cán bộ quản lý, các giáo viên, phụ huynh. Trên cơ sở đó sẽ tiếp thu, nghiên cứu để tránh việc những bộ SGK bị sạn sau khi xuất bản”.

Liên quan tới vấn đề này, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, phương án lấy ý kiến đóng góp cho các bộ sách là cần thiết. Một trong những đội ngũ có kinh nghiệm, có thể đóng góp các ý kiến thiết thực nhất đó là đội ngũ giáo viên đang giảng dạy.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng lo ngại, hiện có thực tế là đa số các giáo viên ngại nói ra những điều họ suy nghĩ, đặc biệt là những ý kiến mang tính phản biện. Do vậy, để huy động được đội ngũ này Bộ GD&ĐT phải động viên được đội ngũ thầy cô giáo tham gia phản biện, trường hợp các giáo viên vẫn ngại ngần thì cần có công văn yêu cầu các thầy cô giáo góp ý thẳng thắn về nội dung của các bộ sách.

Nguyên Thứ trưởng cũng lưu ý, việc  xây dựng nội dung sách giáo khoa lớp 2 cần có sự liên kết với bộ sách giáo khoa lớp 1 bởi vì nếu không sẽ xảy ra tình trạng “cơm tẻ trộn cơm nếp”.

Đặc biệt lưu ý quá trình thực nghiệm

Bên cạnh việc cho rằng cần lấy ý kiến của giáo viên đóng góp cho các bộ sách, nhiều chuyên gia giáo dục còn nhấn mạnh đặc biệt tới quá trình thử nghiệm trước khi đưa vào áp dụng đại trà.

“Thực nghiệm cần phải đảm bảo về thời gian, các vùng miền. Cần chọn mẫu thực nghiệm với số lượng đảm bảo có thể đánh giá chính xác. Khu vực thực nghiệm phải đại diện của từng vùng miền, từ thành phố tới vùng nông thôn, miền núi và hải đảo. Ngoài ra, thực nghiệm cần phải đa dạng về chất lượng để có sự đánh giá phổ quát và có thời lượng thực nghiệm phù hợp” - GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất.

Cần dạy thực nghiệm sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 trước khi đưa vào dạy đại trà.

Chung quan điểm về việc cần triển khai dạy thực nghiệm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc thực nghiệm đối với bất cứ một công trình khoa học nào trước khi đưa vào thực tế là rất quan trọng.

Đầu tiên là tiến hành thực nghiệm khoa học trong phòng thí nghiệm, sau đó đến thực nghiệm ứng dụng (trên phạm vi hẹp rồi rộng hơn có ngẫu nhiên, so sánh) đến khi đủ độ an toàn mới đưa vào áp dụng đại trà. Bởi chỉ qua quá trình dạy thực tế mới phát hiện ra những sai sót, chính giáo viên sẽ đóng góp ý kiến về chương trình. Nhà xuất bản sẽ ghi nhận những ý kiến đó, chỉnh sửa lần cuối trước khi áp dụng vào việc dạy.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội bày tỏ lo lắng: “Hiện nay đã là tháng 10, sách lớp 2 và lớp 6 vẫn chưa thẩm định xong thì làm sao có thể thực nghiệm kịp để đưa vào dạy?”.

Cũng theo vị này, từ chương trình SGK lớp 1 cho thấy quá trình thực nghiệm cần phải thay đổi. Vị này cũng cho biết thêm, sở dĩ bộ SGK lớp 1 có nhiều sai sót là do SGK sau khi thẩm định không được đưa vào dạy thực nghiệm trước khi triển khai đại trà.

“Rút kinh nghiệm từ bộ SGK lớp 1, sắp tới triển khai SGK lớp 2 và lớp 6, theo tôi nghĩ sau khi bộ sách được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định xong cần được Bộ GD&ĐT đưa dạy thử nghiệm tại một số trường ở các tỉnh/thành. Bởi chỉ qua quá trình dạy thực tế mới phát hiện ra những sai sót, chính giáo viên sẽ đóng góp ý kiến về chương trình. Nhà xuất bản sẽ ghi nhận những ý kiến đó, chỉnh sửa lần cuối trước khi áp dụng vào việc dạy. Trong những năm tiếp theo cần tiếp tục góp ý, chỉnh sửa để bộ SGK được hoàn chỉnh hơn” - vị này nói.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan