Việt Nam chưa bao giờ phải đối phó với tình huống nào đặc biệt như dịch COVID-19. Trong bộn bề nguy cơ và bỡ ngỡ, sân bay Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên của cả nước đã lĩnh sứ mệnh tiên phong, đưa vai gánh vác phần việc nặng và khó hoàn toàn chưa có tiền lệ trong lịch sử.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Một quy trình đặc biệt đón khách về an toàn được thiết lập ngay tuyến đầu chống dịch bằng sự chuyên nghiệp, tận tâm…khiến họ nhanh chóng tôi luyện bản lĩnh đương đầu, để giờ đây thực sự lấp lánh vàng mười.
Trách nhiệm xã hội là thước đo và động lực thành công
Minh chứng rõ nét nhất cho việc sẵn sàng gánh vác trách nhiệm xã hội của khối kinh tế tư nhân nói chung, mà đại diện là sân bay Vân Đồn nói riêng được thể hiện sâu đậm trong mùa dịch COVID-19.
Khi dịch bệnh nguy hiểm bùng phát tại Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam bằng rất nhiều nỗ lực đã quyết định thực hiện những chuyến bay “giải cứu” đồng bào về nước. Khi ấy, sân bay Vân Đồn là một trong những cái tên “tiên phong” sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm chưa từng có tiền lệ này.
Ròng rã gần 2 tháng với 29 chuyến bay đưa đón 4.423 hành khách là những người Việt Nam và chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam từ những quốc gia, lãnh thổ đang chịu ảnh hưởng của COVID-19, sân bay non trẻ chưa đầy 1 tuổi đã chủ động xây dựng một quy trình đón khách đặc biệt an toàn khiến nhiều sân bay lớn trên thế giới cũng phải “ngả mũ”.
Ông Phạm Ngọc Sáu - Giám đốc Cảng HKQT Vân Đồn từng chia sẻ: “Khó khăn chưa phải là hết, bởi chẳng chuyến bay nào giống chuyến bay nào, nhưng ‘biệt đội’ của tôi đã ngày càng vững tâm, ngày càng chuyên nghiệp.
Các em có biết về nguy cơ nhiễm bệnh đối với người ở tuyến đầu không? Chắc chắn có. Các em có chạnh lòng trước những ánh mắt nghi ngại của cộng đồng khi biết các em làm việc ở sân bay Vân Đồn, đón người từ vùng dịch về không? Chắc chắn có.
Các em có phải nỗ lực tinh thần gấp đôi người thường, khi phải vừa động viên chính mình, vừa động viên gia đình hay không? Chắc chắn có. Các em có thấm mệt vì phải trực chiến 24/7, sẵn sàng vào việc bất kể giờ giấc, ngày đêm do đặc thù những chuyến bay gấp gáp sẽ cập bến, thậm chí chỉ biết trước 1 giờ đồng hồ không? Chắc chắn có. Nhưng các em có sẵn sàng không? Chắc chắn có!”.
Những gì đã và đang diễn ra ở sân bay Vân Đồn trong suốt thời gian qua đã cho thấy, không phải “kinh doanh” hay “lợi nhuận”, mà chính “trách nhiệm xã hội” là thước đo và động lực của thành công của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế tư nhân nói chung. Khi đất nước gọi, sẵn sàng nói “Có” hay âm thầm nhận về mình những phần việc khó là những hành động yêu nước thiết thực hơn cả trong giai đoạn Tổ quốc gặp khó khăn.
Bởi nếu xét về hiệu quả kinh tế, chẳng người làm kinh doanh nào “dại” bỏ ra vài nghìn tỷ xây dựng một sân bay không biết đến bao giờ mới thu hồi vốn đầu tư hạ tầng.
Nhưng Sun Group vẫn làm, bởi họ hiểu khi có cảng hàng không, hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ mang đến cơ hội “đổi đời” cho cả một vùng đất, cho chính doanh nghiệp và nhân dân địa phương nơi đó.
Hay hàng chục chuyến đưa đón khách từ vùng dịch về, nghĩa là phải đối mặt với một nguy cơ có thể sẽ nhiều người e ngại nếu thiếu hiểu biết, nhưng sân bay Vân Đồn vẫn làm, bởi suy nghĩ “mình không làm thì ai làm”, luôn luôn không ngại khó, ngại khổ và niềm tự hào mãnh liệt khi đóng vai trò tuyến đầu nơi “đất mẹ” đón những đứa con xa xứ trở về.
Hiệu quả, dù chưa thể đo đếm bằng doanh thu, nhưng đang được đo đếm bằng trách nhiệm xã hội cao cả, bằng tiềm năng và cơ hội cho tương lai dài rộng. Như lời của ông Sáu: “Việc Tập đoàn Sun Group phát triển sân bay mới không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận, mà còn là phát triển vùng đất mới chưa khai phá hết tiềm năng. Như tại Quảng Ninh, được sự đồng hành của tỉnh, doanh nghiệp có cơ hội để phát triển vùng đất mới”.
Việc gì khó có tư nhân
Là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Quảng Ninh những năm 2000, ông Nguyễn Duy Hưng, Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh nhớ lại khi xây được cầu nối từ đất liền ra Vân Đồn, người dân vùng này coi như một “kỳ tích”. Khi có cầu, chẳng ai nghĩ Vân Đồn sẽ còn có cả một sân bay quốc tế.
Bởi ngay từ đầu những năm 2000, ý tưởng xây dựng sân bay tại Vân Đồn đã được nhen nhóm. Nhưng suốt hàng thập kỉ, tất cả vẫn chỉ là ý tưởng trên giấy. Chính lãnh đạo Quảng Ninh khi ấy cũng nghĩ rằng nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách, không biết đến bao giờ Vân Đồn mới có thể thay đổi bộ mặt, mới có đủ hàng nghìn tỷ để xây dựng một sân bay quốc tế.
Thậm chí, khi đã nhìn thấy các nhà đầu tư nặng ký như Tập đoàn Rockingham (Mỹ) hay Joinus Việt (liên doanh với Tổng công ty hàng không Hàn Quốc và Posco E&C) với tiềm lực vốn dồi dào, dự án vẫn không có lối thoát.
Chính vào lúc bế tắc nhất, Tập đoàn Sun Group xuất hiện với tuyên bố được cho là “gây sốc” vào thời điểm đó: cùng lúc xây cả sân bay và các dự án phát triển cho Vân Đồn.
Nói là làm, sau gần 2 năm xây dựng thần tốc với số vồn đầu tư khủng lên tới 7.463 tỷ đồng, ngày 30/12/2018, Cảng HKQT Vân Đồn đã chính thức đi vào hoạt động. Không những vượt mặt nhiều “người anh em” sân bay khác về tốc độ thi công nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp mà Cảng HKQT Vân Đồn còn xuất sắc trở thành một trong 9 sân bay quốc tế hiện đại nhất Việt Nam.
Mọi thứ đã thay đổi chóng mặt khi Vân Đồn là nơi đầu tiên có sân bay do tư nhân xây dựng. Chính ông Hưng cũng đánh giá đó là bước tiến lớn khi tận dụng được kinh tế tư nhân tham gia một lĩnh vực khó mà xưa nay ai cũng nghĩ chỉ nhà nước mới làm được.
Và đặc biệt hơn, khi đất nước đối mặt với đại dịch ở cấp toàn cầu, sân bay tư nhân của Tập đoàn Sun Group đã âm thầm đóng góp, không bằng vật chất, mà bằng cơ sở vật chất hiện có, bằng cái tâm và sự chuyên nghiệp. Để chứng minh rằng trong cuộc chiến này không ai đứng ngoài cả.Trách nhiệm xã hội đã thực sự được thể hiện và lan tỏa, không phân biệt “tư nhân” hay “nhà nước”.